Đột quỵ lúc ngủ xảy ra khi lưu lượng máu lên não bị gián đoạn trong lúc ngủ, dẫn đến thiếu oxy và tổn thương tế bào não. BS.CKI Nguyễn Phương Trang, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh có thể đi ngủ với cảm giác bình thường, nhưng khi thức dậy đã xuất hiện triệu chứng của đột quỵ. Tình trạng này thường được phát hiện muộn do người bệnh không nhận biết được triệu chứng ngay thời điểm xảy ra, làm lỡ "thời gian vàng" can thiệp (trong 3-4,5 giờ đầu).
Bác sĩ Trang chỉ ra một số thói quen có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Tắm khuya
Thường xuyên tắm khuya, nhất là tắm nước lạnh dễ làm nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột, gây co mạch máu ngoại biên. Người có nền mạch máu yếu, tăng huyết áp hoặc xơ vữa động mạch, nếu tắm đêm có nguy cơ cao hình thành cục máu đông hoặc vỡ mạch máu não, dẫn đến đột quỵ. Mỗi người nên hạn chế tắm muộn vào thời điểm giao mùa hoặc thời tiết lạnh, nếu tắm nên dùng nước ấm, tắm nhanh.
Uống rượu bia buổi tối
Rượu bia không chỉ làm rối loạn giấc ngủ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tim mạch. Uống rượu thường xuyên gây tổn thương nội mạc mạch máu, thúc đẩy xơ vữa động mạch và hình thành cục máu đông. Rượu có thể gây tăng huyết áp sau khi uống, nhất là vào ban đêm - thời điểm huyết áp cần được ổn định, tăng áp lực lên mạch máu não.
Sử dụng thiết bị điện tử quá mức
Ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính hoặc tivi có thể ức chế sản xuất melatonin - hormone điều hòa giấc ngủ, dẫn đến tăng nhịp tim và huyết áp do giấc ngủ kém, từ đó làm giảm chức năng nhận thức cũng như khả năng phục hồi của não. Để phòng tránh, hãy tắt thiết bị điện tử ít nhất một giờ trước khi ngủ, thay bằng đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ.

Sử dụng thiết bị điện tử quá mức làm giảm chất lượng giấc ngủ, gia tăng nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Phương Phạm
Ăn đêm
Ăn khuya, nhất là ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa như đồ chiên xào, thức ăn nhanh hay nước ngọt có gas, có thể gây rối loạn chuyển hóa, tăng mỡ máu và xơ vữa mạch máu. Về lâu dài, thói quen này có thể dẫn đến thừa cân, béo phì góp phần gây tổn thương nội mạc mạch máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não. Chất béo bão hòa trong thực phẩm chế biến sẵn làm tăng cholesterol xấu (LDL) dễ gây xơ vữa động mạch.
Bác sĩ Trang khuyến cáo mỗi người nên ăn tối trước 19h, ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây để bảo vệ sức khỏe mạch máu não.
Căng thẳng và lo lắng kéo dài
Lo âu, căng thẳng kéo dài có thể kích thích hệ thần kinh giao cảm, thúc đẩy cơ thể sản sinh các hormone như cortisol và adrenaline, làm tăng huyết áp và co thắt mạch máu. Nếu tình trạng này kéo dài, các mạch máu có thể bị tổn thương, từ đó nguy cơ đột quỵ cao, nhất là vào ban đêm cao, khi huyết áp không được kiểm soát tốt. Trước khi đi ngủ, tạo thói quen thư giãn nhẹ nhàng như hít thở sâu, đọc sách hoặc nghe nhạc giúp giảm căng thẳng, ổn định tuần hoàn não.
Bác sĩ Phương Trang khuyên mỗi người cần chủ động kiểm soát các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu. Duy trì tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày với các bài tập nhẹ như đi bộ, đồng thời ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, giúp ổn định huyết áp và bảo vệ mạch máu não.
Người có nguy cơ cao như trên 50 tuổi, mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân, cao cholesterol máu..., nên tầm soát đột quỵ định kỳ bằng các kỹ thuật hiện đại như siêu âm, chụp CT 768 lát cắt, CT 1975 lát cắt, chụp cộng hưởng từ MRI 3 Tesla để phát hiện sớm tổn thương mạch máu não. Ngoài ra, người có biểu hiện ngủ ngáy to, hội chứng ngưng thở khi ngủ nên được kiểm tra đa ký giấc ngủ (Polysomnography). Đây là phương pháp giúp phát hiện tình trạng thiếu oxy khi ngủ, từ đó chủ động điều trị và ngăn ngừa đột quỵ.

Chụp MRI 3 Tesla giúp phát hiện sớm các bất thường ở mạch máu não. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nếu phát hiện bản thân hoặc người nhà có dấu hiệu đột quỵ như méo miệng, yếu hoặc liệt nửa người, nói ngọng hoặc mất ý thức sau khi ngủ dậy, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Không tự sử dụng thuốc hoặc di chuyển người bệnh, đồng thời đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu nâng nhẹ 30-45 độ để giữ thông thoáng đường thở trong khi chờ cấp cứu. Phát hiện và xử trí sớm đột quỵ góp phần tăng khả năng hồi phục cho bệnh người bệnh đột quỵ.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |