Trả lời:
Thông thường gia đình có người bị xơ gan hoặc ung thư gan mới là yếu tố nguy cơ đáng lo ngại. Gan nhiễm mỡ trong gia đình thường do cùng chế độ sinh hoạt, ăn uống dẫn đến thừa cân, béo phì và các bệnh chuyển hóa.
Không phải tất cả trường hợp gan nhiễm mỡ đều tiến triển thành viêm gan. Với gan nhiễm mỡ đơn thuần, men gan cao là dấu hiệu cho thấy đang có tình trạng viêm mạn tính ở tế bào gan. Quá trình này có thể dẫn đến hình thành các dãy xơ, ban đầu rất ít nhưng dần nhiều lên và tiến triển thành xơ gan, từ xơ gan còn bù có thể chuyển thành xơ gan mất bù. Người bị xơ gan có nguy cơ xuất hiện tế bào bất thường dẫn đến ung thư biểu mô tế bào gan.
Ngược lại, nếu men gan không cao, có hai khả năng là tế bào gan vẫn đang viêm âm thầm mà không biểu hiện rõ ràng (khó nhất khi đánh giá bệnh lý gan nhiễm mỡ), hai là không có tình trạng viêm trong tế bào gan nên nguy cơ tổn thương gan mạn tính và xơ gan rất thấp.
Bạn mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, nếu kiểm soát triệu chứng đúng cách, nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan rất thấp. Tuy nhiên, do bạn mắc bệnh tiểu đường type 2 kèm theo nên cần lưu ý hơn vì các bệnh chuyển hóa làm tăng nguy cơ tiến triển của gan nhiễm mỡ. Bạn nên đi khám để kiểm tra xem có bị viêm gan virus B và C không. Nếu đồng mắc các bệnh này, nguy cơ cao tổn thương gan, xuất hiện biến chứng.

Bác sĩ Khanh khám cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Gan nhiễm mỡ không được kiểm soát có thể ảnh hưởng đến gan, mạch vành, mạch não, nguy hiểm. Bạn nên thay đổi lối sống, giảm cân nếu béo phì, cải thiện chế độ ăn bằng cách hạn chế thức ăn chiên rán, thực phẩm nhiều chất béo, giảm tinh bột và gạo, đồng thời tăng cường rau xanh, chất xơ góp phần kiểm soát bệnh. Tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, khám sức khỏe định kỳ hỗ trợ ngăn ngừa gan nhiễm mỡ chuyển nặng.
Trưởng khoa Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |