Tài chính

Đồng USD lao dốc, mất dần vị thế "trú ẩn an toàn"

Tóm tắt:
  • Đồng USD đang sụt giảm mạnh nhất kể từ 2017 do áp lực thuế quan và chính sách thương mại của Tổng thống Trump.
  • Chỉ trong một tuần, USD mất giá 0,9% so với franc Thụy Sĩ và đạt mức thấp nhất trong ba năm so với euro.
  • Chính sách thuế quan không nhất quán đã làm lung lay niềm tin vào USD, khiến chi phí vay mượn tăng mạnh.
  • Thị trường tài chính toàn cầu trở nên hỗn loạn, với hàng nghìn tỷ USD bị “bốc hơi” khỏi sàn chứng khoán.
  • Sự yếu kém của USD có thể gây áp lực lên trái phiếu và cổ phiếu, ảnh hưởng tiêu cực đến giới đầu tư.

(Ảnh minh hoạ: Reuters)

Theo Reuters, chỉ trong vòng một tuần, đồng USD từ chỗ được coi là tài sản trú ẩn an toàn đã trở thành tâm điểm bị giới đầu tư bán tháo. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chính sách thuế quan hỗn loạn của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm lung lay niềm tin vào đồng tiền dự trữ số một thế giới.

Sự sụt giảm niềm tin đột ngột thể hiện rõ nhất ở thị trường trái phiếu Mỹ, khi chi phí đi vay tăng mạnh nhất kể từ năm 1982 do dòng vốn ngoại ồ ạt rút chạy. 

Trên thị trường ngoại hối, đồng USD tiếp tục mất giá, giảm 0,9% xuống còn 0,8165 so với đồng franc Thụy Sĩ - mức thấp nhất kể từ tháng 1/2015. Đây là tuần giảm giá mạnh nhất của đồng bạc xanh kể từ tháng 11/2022.

Ngoài ra, USD cũng đã rơi xuống mức thấp nhất trong ba năm qua so với đồng euro, phản ánh tâm lý lo ngại gia tăng trên thị trường trước các chính sách thuế quan thiếu nhất quán từ chính quyền Tổng thống Trump.

Chỉ số USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm xuống mức 99,783 theo ghi nhận lúc 10h30 (giờ Việt Nam) - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Tính chung cả tuần, chỉ số này đang hướng đến mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng trước.

 Diễn biến chỉ số USD từ tháng 5/2024 đến tháng 4/2025 (Nguồn: TradingView)

Các chính sách thương mại bất ngờ và khó đoán từ ông Trump, như việc áp thuế lên hơn 60 đối tác, sau đó đột ngột hoãn lại và tiếp tục leo thang căng thẳng với Trung Quốc, đã tạo ra một cú sốc lớn đối với thị trường toàn cầu.

Chỉ trong vài ngày, hàng nghìn tỷ USD đã bị “bốc hơi” khỏi các sàn chứng khoán thế giới, trong khi thị trường tài chính rơi vào trạng thái hỗn loạn.

“Dù 90 ngày đàm phán tới diễn ra như thế nào thì uy tín quốc tế của Mỹ đã bị tổn hại,” ông Richard Yetsenga, chuyên gia kinh tế trưởng của ANZ, nhận định. 

Ông Martin Whetton, chiến lược gia tại Westpac, cho rằng việc đồng USD mất dần vị thế "trú ẩn an toàn" khiến các chủ nợ e dè hơn trong việc cho Mỹ vay tiền. Thậm chí, Mỹ hiện phải trả lãi suất cao hơn cả Italy, Tây Ban Nha hay Hy Lạp để huy động vốn.

Một số chuyên gia cho rằng đợt bán tháo USD có thể chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, dù là ngắn hạn, sự suy yếu của đồng USD vẫn là tin xấu với giới đầu tư. Với hàng nghìn tỷ USD đổ vào thị trường Mỹ những thập kỷ qua, việc USD giảm giá mạnh có thể kéo theo lãi suất tăng cao, gây áp lực lên trái phiếu và cổ phiếu.

"Chính quyền ông Trump dường như đang phớt lờ sự phụ thuộc nặng nề của Mỹ vào vốn nước ngoài, thể hiện qua vị thế đầu tư quốc tế ròng", ông Christopher Wood, trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu toàn cầu tại Jefferies, nhận xét. 

Các tin khác

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Để cây "tỷ đô" phát triển bền vững: Bài học đắt giá khi "ăn xổi"

TP - Trái sầu riêng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang giá trị hàng tỉ USD của Việt Nam những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025 gặp khó vì vướng quy định kiểm nghiệm chất lượng xuất khẩu. Đây là bài học học đắt giá cho những người trồng “ăn xổi” và một lần nữa “đánh thức” tính chủ động của cơ quan chức năng trong việc tăng cường định hướng.