Tài chính

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: VND đối diện nguy cơ mất giá 10% trước áp lực thuế quan

Tóm tắt:
  • Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam, gây áp lực lớn lên tỷ giá và chính sách tiền tệ.
  • Tỷ giá USD/VND giảm xuống mức thấp kỷ lục, gây ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
  • Các chuyên gia dự đoán nếu thuế được giữ nguyên, tỷ giá USD/VND có thể tăng tới 10% trong năm 2025.
  • Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc chính sách lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và ổn định tỷ giá trong bối cảnh này.
  • Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm nay có thể khó khăn, phụ thuộc vào diễn biến thuế quan từ Mỹ.

Ngày 2/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách 60 quốc gia bị áp thuế đối ứng, trong đó Việt Nam đối mặt với mức thuế lên tới 46%, có hiệu lực từ ngày 9/4 -cao nhất từ trước đến nay trong quan hệ thương mại song phương.

Đầu tháng 4, thông tin Mỹ áp thuế đối ứng với loạt quốc gia ngay lập tức gây ra những biến động mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu. Thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp có các phiên giảm cực mạnh, chỉ số USD Index cũng quay đầu giảm.

Tuy ngay sau đó Tổng thống Trump đã thông báo tạm hoãn thi hành thuế quan trong vòng 90 ngày nhằm tạo dư địa cho các cuộc đàm phán đối với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, thị trường vẫn tỏ ra khá thận trọng.

Tỷ giá leo thang

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện nay Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 136,6 tỷ USD (năm 2024), chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, gỗ và thủy sản, mà còn tạo áp lực lớn lên tỷ giá và lãi suất trong nước.

Sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam vào ngày 2/4/2025, tỷ giá USD/VND đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới, chạm mốc khoảng 25.800 VND/USD. Tại ngày 10/4/2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.964 USD/VND, mức tỷ giá trung tâm cao nhất lịch sử. 

Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 622 đồng, tương đương 2,5%, từ đó kéo trần tỷ giá được nới rộng ra. Tỷ giá mua - bán USD tại NHNN cũng tăng lên mức 23.766 - 26.162 VND/USD, thay vì thiết lập chặn cứng 25.450 như giai đoạn trước đây.

Có thể thấy, NHNN sẵn sàng chấp nhận một mức biến động mạnh hơn của tỷ giá nhằm giảm bớt áp lực lên dự trữ ngoại hối sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD trong năm vừa qua.

 TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu.(Ảnh: Báo Đầu tư)

Nhận định về diễn biến tỷ giá, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu, nhận định tỷ giá USD/VND sẽ chịu áp lực lớn nếu Mỹ thực thi mức thuế quan lên tới 46% đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm nghiêm trọng của nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu.

Theo ông Hiếu, chỉ trong ba tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đã lên tới khoảng 100 tỷ USD. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối hiện chỉ vào khoảng 80 tỷ USD – thấp hơn chuẩn thông lệ quốc tế vốn yêu cầu mức dự trữ tương đương ít nhất ba tháng nhập khẩu. Việc xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn do rào cản thuế quan, từ đó tạo áp lực gia tăng lên tỷ giá.

Trong kịch bản bất lợi, nếu mức thuế 46% được giữ nguyên, tỷ giá USD/VND có thể tăng tới 10% trong năm nay",  TS. Hiếu nhấn mạnh.

"Tuy nhiên, mức thuế 46% hiện vẫn đang trong quá trình đàm phán. Do đó, chưa thể đưa ra một dự báo cụ thể về mức độ biến động tỷ giá trong năm 2025 cho đến khi Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận cuối cùng về thuế quan", ông nói thêm.

Đồng quan điểm, báo cáo của Ngân hàng UOB cho rằng chính sách thuế quan sẽ khiến hàng hóa Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh tại Mỹ. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay và tiếp tục tạo sức ép lên tỷ giá. 

Các chuyên gia UOB duy trì quan điểm đồng VND sẽ tiếp tục yếu đi, với dự báo cập nhật mới về tỷ giá USD/VND sẽ ở mốc 26.500 VND/USD trong quý II/2025, 27.200 VND/USD trong quý III/2025, 26.800 VND/USD trong quý IV/2025, 26.500 VND/USD trong quý I/2026.

 

Chính sách lãi suất: Giữ ổn định hay nới lỏng?

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá và cũng chưa có quyết định cuối cùng về mức thuế quan lên hàng hóa Việt Nam, lãi suất điều hành dự kiến sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng.

Giới chuyên gia nhận định áp lực tỷ giá chủ yếu đến từ khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì hoặc hạ mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước.

Trên thực tế, NHNN đã duy trì mức lãi suất cơ bản trên thị trường mở (OMO) ở mức 4% trong các kỳ gần đây, trong khi lãi suất tái cấp vốn được giữ ở mức 4,5%, phản ánh mức lạm phát được kiểm soát và sự ổn định trong lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến hết quý I/2025, mặt bằng lãi suất huy động mới gần như không thay đổi chỉ tăng 0,08%, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ UOB, nếu tình hình kinh tế và thị trường lao động tiếp tục xấu đi, NHNN có thể hạ lãi suất về mức thấp như thời kỳ COVID-19, tức 4%, thậm chí xuống 3,5%. Kịch bản này sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của thị trường ngoại hối và động thái cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

  (Nguồn: VDSC)

Ở góc nhìn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết cho đến nay NHNN chưa công bố chính thức phương án ứng phó, tuy nhiên nhà điều hành có nhiều công cụ chính sách có thể sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngoại tệ suy giảm. 

"Thứ nhất, là phát hành tín phiếu để hút bớt tiền ra khỏi lưu thông, từ đó giảm cung tiền và giảm áp lực lên tỷ giá. Thứ hai, là tăng cường dự trữ ngoại hối thông qua các kênh như vay mượn quốc tế hoặc thu hút kiều hối. Thứ ba, là điều chỉnh lãi suất điều hành theo hướng tăng nhẹ nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, qua đó hạn chế dòng vốn chảy ra ngoài", ông cho hay. 

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng nhấn mạnh rằng, mức thuế 46% là mức thuế chưa từng có trong lịch sử quan hệ thương mại Việt – Mỹ. Đây là thách thức rất lớn và NHNN có thể cần đến những biện pháp mang tính đặc biệt hơn nếu muốn giữ ổn định vĩ mô. 

Trước đó chia sẻ về định hướng điều hành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điều và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hoà sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất.

Trước áp lực thuế quan, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% có khả thi?

Tính đến hết tháng 3, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã tăng 3,93% so với cuối năm 2024, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy dòng vốn đang được đẩy mạnh vào nền kinh tế nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay, tương đương khoảng 2 triệu tỷ đồng.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36% so với cuối năm 2024. Cùng kỳ năm ngoái, huy động từng giảm 0,76%, giảm trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục đi xuống.

Theo đó, tín dụng tiếp tục được định hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh,  và động lực tăng trưởng, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

 

Để hiện thực hóa mục tiêu này, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời kiểm soát tín dụng ở các ngành rủi ro. Ngoài ra, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất đang được triển khai để hỗ trợ đầu tư hạ tầng và công nghệ số.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% vẫn còn bỏ ngỏ, phụ thuộc rất lớn vào kết quả của các diễn biến thương mại trong thời gian tới, đặc biệt là chính sách thuế quan từ phía Mỹ.

Theo ông, nếu mức thuế 46% mà Mỹ dự kiến áp lên hàng hóa từ Việt Nam được duy trì, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm lại. Khi tăng trưởng chậm, nhu cầu vay mượn suy giảm, đồng nghĩa với việc cầu tín dụng cũng sẽ yếu đi.

"Trong kịch bản đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% là rất khó khả thi", ông Hiếu nhấn mạnh. 

Các tin khác

10 ngày "sóng gió" khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo

Chỉ trong 10 phiên giao dịch, thị trường tài chính thế giới đã chứng kiến những cú sốc lớn chưa từng có kể từ thời kỳ khủng hoảng COVID-19. Tất cả bắt nguồn từ quyết định tăng thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc và làm lung lay niềm tin vào vị thế tài chính của nước Mỹ.

Ông Trump đưa ra những ngoại lệ có thể có đối với mức thuế cơ bản 10%

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định mức thuế 10% là “sàn” trong chính sách thương mại mới của ông đối với hầu hết các đối tác của Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ khả năng có những ngoại lệ. Những phát ngôn này đang làm dấy lên nhiều lo ngại trên thị trường toàn cầu, giữa lúc cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng.

Không khí lạnh gây mưa khắp miền Bắc, có nơi mưa rất to

Đợt không khí lạnh cuối mùa tràn xuống nước ta trong hôm nay gây rét trong thời gian ngắn, nền nhiệt giảm nhẹ nhưng lại gây mưa rào và dông rải rác cho cả miền Bắc, miền Trung. Trong đó khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, kèm nguy cơ cao về mưa đá, lốc sét.