Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng mạnh 34,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là một con số đầy ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động, cạnh tranh thu hút vốn FDI ngày càng khốc liệt giữa các quốc gia trong khu vực.

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong quý I giai đoạn 2021-2025 , đơn vị tỷ USD. (Nguồn: Cục Thống kê)
Các nhà đầu tư FDI đang thận trọng hơn
Với kết quả này, theo TS. Sam Goundar, Giảng viên cấp cao ngành Công nghệ thông tin tại RMIT Việt Nam, ngành công nghệ Việt Nam đã có một thập kỷ tăng trưởng ấn tượng với thế mạnh là điểm lắp ráp cuối cho các sản phẩm điện tử cao cấp.
Các “ông lớn” như Foxconn, Samsung, LG Electronics, Intel và Luxshare không chỉ tận dụng nguồn lao động chất lượng của Việt Nam mà còn đánh giá cao môi trường xuất khẩu ít rủi ro.
Với đà phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu với doanh thu dự kiến sẽ đạt 21,45 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, cú sốc mới nhất đến từ Washington, khi chính quyền Mỹ tuyên bố áp thuế lên tới 46% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam.
Mặc dù, mới đây Tổng thống Trump đã tuyên bố hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày song tình hình bất định khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang.
Mức thuế 46% của Mỹ nếu được áp dụng có thể kéo theo sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng, chi phí tăng cao do phải tìm thị trường hoặc nguyên liệu thay thế và tâm lý e ngại từ các nhà đầu tư quốc tế. Điều này làm suy giảm sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp như Luxshare, nhà cung cấp linh kiện cho Apple, đang xem xét việc chuyển một phần sản xuất sang các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, để giảm thiểu tác động từ thuế quan. Nếu xu hướng này lan rộng, Việt Nam có nguy cơ bị loại khỏi bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple.
Không chỉ dừng ở chất bán dẫn, các mặt hàng điện tử như điện thoại, máy tính xách tay và thiết bị gia dụng, vốn là trụ cột xuất khẩu của Việt Nam, cũng đang chịu áp lực nặng nề. Người tiêu dùng Mỹ ngày càng thận trọng với giá cả, trong khi các nước như Ấn Độ, Mexico và Đông Âu lại được hưởng mức thuế ưu đãi hơn.
“Các nhà đầu tư từng coi Việt Nam là điểm sáng ổn định giữa biến động địa chính trị toàn cầu giờ đây đang thận trọng hơn”, ông TS. Sam Goundar nhìn nhận.
Dẫn báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý I, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doah nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết hơn một nửa số doanh nghiệp (52%) coi suy giảm kinh tế toàn cầu và biến động trong thương mại quốc tế là những mối lo ngại hàng đầu.
Trong đó, có tới 39% doanh nghiệp được khảo sát dự đoán chiến lược giá – bao gồm biến động thuế quan và chi phí vận hành – sẽ là thách thức lớn. 36% dự đoán nhu cầu thị trường và doanh thu sẽ gặp khó khăn từ mức trung bình đến đáng kể.
Tuy vậy, cho rằng các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao sự linh hoạt của Việt Nam trong quan hệ quốc tế và đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong việc điều hướng căng thẳng thương mại toàn cầu.
“68% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư – thể hiện cam kết dài hạn của họ”, ông Bruno Jaspaert cho biết.

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham. (Nguồn: EuroCham)
Củng cố niềm tin dài hạn
Dù phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa thay đổi chiến lược đầu tư, ông Bruno Jaspaert cho rằng nhu cầu về các cải cách mạnh mẽ nhằm củng cố niềm tin và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang trở nên vô cùng cấp thiết.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá một số lĩnh vực cần cải thiện để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng (37%) được coi là ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tinh giản thủ tục hành chính (29%); nới lỏng quy trình cấp thị thực và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài (24%); cũng như tăng cường tính minh bạch trong luật pháp và thực thi pháp luật (21%).
“Những ưu tiên này cho thấy các doanh nghiệp châu Âu mong đợi những cải thiện rõ ràng hơn để củng cố niềm tin dài hạn của họ”, ông Bruno Jaspaert cho biết.
Dù khẳng định trong ngắn hạn dòng vốn FDI vào Việt Nam chưa thể giảm ngay, song bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Ban Thống kê Công nghiệp và Xây Dựng, Cục Thống kê, cho rằng mức thuế này nếu được áp dụng và kéo dài thì có thể làm tăng chi phí sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp có xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Nhiều tập đoàn lớn FDI sản xuất và xuất khẩu các nhómcó thể cân nhắc dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất kinh doanh về chính quốc hoặc về các nước khác để mà giảm rủi ro tập trung.
Ngoài ra, các nhà đầu tư FDI mới đang tìm hiểu thị trường Việt Nam cũng sẽ có những lo ngại về tính bền khi vào Việt Nam và có thể tìm đến các quốc gia khác để thay thế.

Bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Ban Thống kê Công nghiệp và Xây Dựng, Cục Thống kê. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)
Để thu hút FDI trong bối cảnh mới, với lợi thế sẵn có, bà Phí Thị Hương Nga cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hải quan, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, tăng cường ưu đãi thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, bền vững...
Việt Nam cũng cần tăng cường đối thoại song phương với Mỹ để làm rõ các yếu tố lợi ích thương mại song phương giữa hai quốc gia, khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại công bằng và đáng tin cậy.
Đồng thời, tiếp tục chủ động, tích cực và dùng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước...
Cùng với đó, cần cải thiện những yếu tố mà Mỹ cho rằng Việt Nam đang bảo hộ, cạnh tranh không lành mạnh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
"Cơ quan chức năng cung cấp thông tin sớm cho doanh nghiệp về thuế đối ứng, giúp doanh nghiệp chuẩn bị dữ liệu và sẵn sàng ứng phó nhằm bảo vệ quyền lợi tại thị trường Mỹ. Từ đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu", bà Nga nêu rõ.