Parkinson xảy ra khi các tế bào thần kinh trong não, đặc biệt là vùng hạch nền bị thoái hóa, dẫn đến thiếu hụt dopamine - chất dẫn truyền thần kinh quan trọng điều khiển vận động. Triệu chứng điển hình bao gồm run tay chân, cứng cơ, chậm vận động và mất thăng bằng. Nam giới được ghi nhận có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
ThS.BS Quãng Thành Ngân, Đơn vị Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết nếu trước đây bệnh Parkinson thường gặp ở người từ 60 tuổi, gắn liền với quá trình lão hóa tự nhiên thì nay bệnh có xu hướng trẻ hóa, người trong độ tuổi 30, 40 cũng có thể mắc bệnh. Nguyên nhân khiến người trẻ mắc bệnh Parkinson chưa xác định nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy khởi phát bệnh như môi trường sống, yếu tố di truyền, đột biến gene, áp lực trong công việc và thói quen sinh hoạt.
Ô nhiễm không khí, kim loại nặng trong thực phẩm và nước uống cùng các hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ làm tăng nguy cơ tổn thương tế bào thần kinh. Tiếp xúc lâu dài với những chất này có thể ảnh hưởng đến ty thể - bộ phận sản xuất năng lượng của tế bào, dẫn đến stress oxy hóa và thoái hóa não bộ. Áp lực công việc, thiếu ngủ, ít vận động và chế độ ăn thiếu chất chống oxy hóa như flavonoid hay vitamin D làm tăng căng thẳng, góp phần đẩy nhanh quá trình thoái hóa thần kinh.
Theo bác sĩ Ngân, đột biến gene được ghi nhận là nguyên nhân tiềm ẩn gây Parkinson ở người dưới 50 tuổi. Bác sĩ dẫn nghiên cứu có khoảng 10-15% bệnh nhân Parkinson có người thân cận huyết mắc bệnh, nhất là những trường hợp khởi phát sớm.
Dấu hiệu Parkinson ở người trẻ tuổi thường bị nhầm lẫn với căng thẳng hay thiếu ngủ. Các triệu chứng điển hình như run tay khi nghỉ, cứng cơ khi thức dậy, mệt mỏi kéo dài hay gặp khó khăn trong động tác đơn giản như cài khuy áo, viết chữ, vận động chậm... thường bị bỏ qua. Nhiều người thường nghĩ chỉ là biểu hiện tạm thời, dẫn đến trì hoãn khám và chẩn đoán muộn.
Bác sĩ khuyến cáo người có các dấu hiệu nghi ngờ, gia đình có tiền sử mắc bệnh Parkinson nên tầm soát sớm. Chẩn đoán bệnh dựa vào khám lâm sàng, kết hợp chụp chiếu công nghệ hiện đại như chụp CT 768 lát cắt, CT 1975 lát cắt hay MRI 3 Tesla giúp phát hiện tổn thương ở não. Từ đó, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị, can thiệp phù hợp nhất.
Bệnh Parkinson có thể kiểm soát tốt nhờ thuốc và các liệu pháp hỗ trợ như vật lý trị liệu. Người bệnh cần thay đổi lối sống, tập thể dục đều đặn, tránh xa hóa chất độc hại, thuốc lá, rượu bia. Bổ sung thực phẩm giàu omega-3 và chất chống oxy hóa từ cá, rau xanh tốt cho não, góp phần giảm triệu chứng, làm chậm quá trình phát triển của bệnh.
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |