Đà tăng giá của Luna Classic (Lunc) - đồng Luna cũ được đổi tên sau thảm họa hồi tháng 5 - bắt đầu từ đầu tháng 9, nhưng tăng mạnh những ngày gần đây. Từ mức giá 0,0001 USD, token này đã tăng lên 0,0006 USD mỗi đồng, tức gấp 6 lần trong một tuần.
Việc Lunc tăng lên khiến giá trị vốn hóa của token này đạt hơn ba tỷ USD, xếp thứ 25 trên thị trường tiền mã hóa. Hiện giá tiền số này được giao dịch ở mức 0,00045 USD mỗi đồng, vốn hóa còn 2,7 tỷ USD và xếp thứ 29.
Những chỉ số này gây bất ngờ bởi tiền điện tử này đã không còn sức hút với nhà đầu tư sau cú sập, nhà sáng lập Do Kwon đang bị điều tra và thị trường tiền số nói chung cũng đang trong "mùa đông" ảm đạm.
Theo CoinDesk, sự biến động của Lunc liên quan đến thông tin về việc "đốt" token này khi giao dịch. Cụ thể, một cộng đồng người dùng Lunc đã chấp nhận đề xuất mức "thuế" 1,2% cho mỗi giao dịch Lunc trên blockchain. Số "thuế" này sẽ tự động được gửi đến địa chỉ ví mà ở đó token bị khóa vĩnh viễn. Dự kiến, việc áp dụng đề xuất sẽ diễn ra từ 20/9.
"Đốt" là thuật ngữ chỉ việc gửi token đến một địa chỉ ví chết, nhằm đưa lượng token này ra khỏi lưu thông thị trường. Khi đó, nguồn cung giảm, khiến giá trị của mỗi token tăng lên.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc Lunc tăng giá có thể chỉ là sự biến động nhất thời vì token này không còn hấp dẫn, nhất là với những nhà đầu tư mới. "Đây vẫn là một giai đoạn khó khăn đối với tiền điện tử nói chung và các nhà đầu tư đã nếm trải sự tồi tệ của Terra khi hệ sinh thái này sụp đổ ", Edward Moya, nhà phân tích thị trường blockchain của Oanda, đánh giá.
Một số chuyên gia khác cho rằng "đốt" coin có thể chỉ diễn ra tự phát giống như trước đây. Với tổng cung tới 6.000 tỷ token, việc "đốt" sẽ mất rất nhiều thời gian.
Hiện một lượng lớn token này vẫn nằm trên các sàn giao dịch tập trung. MEXC cho biết sẽ áp dụng hình thức mới, còn Binance cũng thông báo sẽ thêm cặp giao dịch Lunc/USDT. Hai sàn khác là KuCoin và GateIO cũng ủng hộ cơ chế "đốt" của giao thức mới.
Trong khi đó, token Luna mới cũng bất ngờ tăng mạnh. Giá tiền số này tăng hơn bốn lần chỉ trong khoảng ba tiếng tối 9/9. Từ mức giá 1,7 USD mỗi đồng và "đi ngang" trong nhiều tháng, tiền số này tăng lên hơn 7,6 USD mỗi đồng, trước khi quay lại mức 5,5 USD mỗi đồng.
Với việc tăng giá mạnh, Luna trở thành tiền số có vốn hóa lớn thứ 55 thị trường với một tỷ USD, trước khi quay về thứ 62 với khoảng 717 triệu USD. Hiện token này có tổng cung một tỷ coin.
Theo CoinDesk, thông tin hàng loạt sàn tiền số hỗ trợ cơ chế "đốt" của Lunc ở trên có thể là nguyên nhân khiến giá Luna tăng đột biến. Ngoài hai token này, USTC - đồng từng là stablecoin (tiền số neo giá tương đương 1 USD) thuộc hệ sinh thái Terra - cũng tăng từ 0,02 USD lên 0,05 USD trước khi xuống còn 0,04 USD.
Howard Greenberg, chuyên gia về tiền điện tử tại Học viện Giao dịch Prosper, cho rằng sự tăng giá mạnh trong thời gian ngắn cho thấy Lunc hay Luna vẫn là một meme coin đúng nghĩa. "Độ rủi ro của nó vẫn rất cao. Những giao dịch này rất dễ 'bay hơi', do đó người dùng không nên giao dịch Luna và Lunc lúc này, trừ khi chấp nhận rủi ro và tham gia với số tiền nhỏ", ông nói với CoinDesk.
Đầu tháng 5, cộng đồng tiền mã hóa chứng kiến một trong những vụ sụp đổ lớn nhất lịch sử khi Luna và đồng stablecoin (tiền số ổn định giá) UST của Terra bất ngờ lao dốc. Economic Times gọi đây là "vụ thảm sát" đối với nhà đầu tư khi giá Luna giảm 99,6%, từ đỉnh 86 USD ngày 4/5 xuống còn 0,005 USD vào 13/5. Stablecoin UST từ mức neo giá 1 USD cũng sụt mạnh xuống 0,008 USD. Cả hai đồng gần như vô giá trị sau nhiều nỗ lực giải cứu bất thành. Giới phân tích gọi sự cố là vết nhơ của thị trường tiền mã hóa và cách ứng xử của CEO Do Kwon khi bê bối xảy ra là vô trách nhiệm.