Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda ngày 9/9 cho biết, những biến động nhanh gần đây của đồng yen là mối bất lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản, khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tiếp tục “điệp khúc” cảnh báo về sự bất ổn sau khi đồng tiền này lao dốc xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD.
Ông Kuroda đã đưa ra nhận định trên sau cuộc gặp với Thủ tướng Fumio Kishida tại văn phòng của ông để thảo luận về những diễn biến kinh tế và tài chính gần đây. Sau đó, người đứng đầu BoJ nói với các phóng viên rằng, ông "không nhận được chỉ đạo nào" từ Thủ tướng.
Ông Kuroda nói: “Sự biến động nhanh của tỷ giá hối đoái là điều bất lợi vì chúng khiến cho hoạt động quản lý kinh doanh không ổn định và làm tăng sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế”.
Sự khác biệt trong lập trường chính sách tiền tệ của BoJ với các ngân hàng tương đương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến đồng yen suy yếu vì BoJ không vội vàng tăng lãi suất bất chấp lạm phát tăng cao.
Đồng yen cũng đã giảm so với đồng euro, xuống mức thấp nhất trong hơn bảy năm, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm vào ngày 8/9.
Đồng yen yếu được coi là một lợi thế cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản, nhưng mặt tiêu cực là chi phí nhập khẩu của nước này sẽ cao hơn, thu hút nhiều sự chú ý hơn vào thời điểm giá năng lượng và lương thực trên toàn cầu tăng vọt sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine (U-crai-na), “giáng một đòn mạnh” vào quốc gia nghèo tài nguyên này.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết những biến động của đồng yen gần đây, một phần là do các động thái đầu cơ, không “phản ánh các nguyên tắc kinh tế cơ bản ổn định".
Ông Suzuki bày tỏ lo ngại về những biến động nhanh chóng gây bất lợi cho thị trường, đồng thời cho biết thêm, Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng thực hiện các bước can thiệp cần thiết mà không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào”.