Tài chính

Sức mạnh áp đảo của đồng USD đang giúp người dân Mỹ chống đỡ thiệt hại của lạm phát

 

(Ảnh minh hoạ: AP).

Hồi tháng 7, một chỉ số đánh giá lạm phát dựa trên sức mạnh của đồng USD so với tiền tệ của các đối tác thương mại lớn của Mỹ đã vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2002. Kết quả này cho thấy đà tăng của đồng bạc xanh đã giúp giảm áp lực lạm phát tại Mỹ như thế nào.

Cụ thể, theo Wall Street Journal (WSJ), tỷ giá hối đoái hiệu dụng thực (REER) của USD sẽ đo lường đồng tiền này với nhóm tiền tệ từ các đối tác thương mại quan trọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tỷ giá nói trên do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tổng hợp và có tính đến biến động giá cả hàng hoá cũng như dịch vụ trong từng nền kinh tế liên quan. Một số nhà phân tích cho rằng việc xem xét lạm phát sẽ cung cấp cái nhìn rộng hơn về sức mua tương đối của một đồng tiền so với các biện pháp truyền thống.

 

Và đồng bạc xanh đã tăng nóng trong năm nay, trái ngược với cú giảm từng ghi nhận vào thập niên 1970 - khi lạm phát hoành hành và phá hoại nền kinh tế Mỹ. Chỉ số USD Index của WSJ đã tăng 5 trong 6 tháng qua và cao hơn hồi đầu năm gần 13%.

Đồng USD đã tăng vượt mức ngang giá so với euro lần đầu tiên trong 20 năm, đồng thời chạm mức cao nhất so với đồng bảng Anh kể từ năm 1985 và đẩy giá trị của đồng yen Nhật xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/1998.

Theo các nhà phân tích của Deutsche Bank, trong các tài sản giao dịch vượt trội nhất tháng 8 vừa qua, USD chỉ xếp sau khí đốt tự nhiên.

Rất ít nhà quan sát dự đoán đồng USD sẽ suy yếu trong dài hạn. Các nhà đầu tư và nhà phân tích cho biết sau dữ liệu việc làm tháng mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ắt hẳn sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát.

Các biện pháp chính sách của Fed là động lực chính cho sức mạnh áp đảo của USD hiện nay, bởi lãi suất tại Mỹ cao hơn thường hút dòng vốn từ các nền kinh tế có lãi suất thấp hơn.

Ông Thanos Bardas, đồng trưởng bộ phận đầu tư toàn cầu tại ngân hàng đầu tư Neuberger Berman, cho hay cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu cùng với chính sách tụt hậu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã kích thích đồng USD.

Hai yếu tố trên đã thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào các tài sản của Mỹ, từ trái phiếu Kho bạc đến cổ phiếu. Theo ông Bardas, các lực lượng hỗ trợ cho đồng USD sẽ còn duy trì trong một thời gian dài.

 

Nhiều chuyên gia kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho đến năm 2023. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm - vốn tương quan với kỳ vọng chính sách tiền tệ của công chúng, gần đây đã chạm mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007.

Sức mạnh của đồng USD làm cho hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ rẻ hơn, đồng thời giúp giá sản phẩm mà siêu cường này xuất khẩu ra nước ngoài trở nên đắt hơn. Điều đó có thể làm tổn thương các nước xuất khẩu và thổi bùng lạm phát ở nước ngoài.

Ông Steve Englander - trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại Standard Chartered, nhận xét: “Phần còn lại của thế giới sẽ phải chịu một cú sốc kép: giá nhập khẩu tăng cao hơn và điều kiện thanh khoản siết chặt hơn”.

Tất nhiên, lạm phát vẫn ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng Mỹ khi rút cạn ví của họ ở trạm xăng hay tại cửa hàng tạp hoá. Tuy nhiên, sự kết hợp của tăng trưởng và lạm phát tại Mỹ vẫn lành tính hơn nhiều nơi khác.

Lạm phát ở khu vực đồng euro sẽ leo lên mức kỷ lục vào tháng 8, trong khi tốc độ tăng giá tiêu dùng tại Mỹ đã chạm mức hai con số vào tháng 7.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm