Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt muốn tiến xa phải phát triển bền vững

Doanh nghiệp Việt muốn tiến xa phải phát triển bền vững - Ảnh 1.

Các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn kết nối giao thương Nhịp cầu ASEAN++ với chủ đề "Kết nối để phát triển bền vững" - Ảnh: HAWEE

Tại Diễn đàn kết nối giao thương Nhịp cầu ASEAN++ với chủ đề "Kết nối để phát triển bền vững" do Sở Công thương và Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (Hawee) tổ chức ngày 9-9, bà Cao Thị Ngọc Dung -  chủ tịch Hawee - cho rằng kết nối để phát triển bền vững là đích đến tất yếu, giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận cùng lúc với việc tạo ra tác động tích cực đến xã hội, cộng đồng.

Theo bà Dung, phát triển bền vững là từ khóa quan trọng cho tất cả các doanh nghiệp với mong muốn phát triển vững mạnh, lâu dài và điều này càng quan trọng hơn bao giờ hết cho hoạt động giao thương quốc tế, kêu gọi đầu tư.

Trong khi đó, người tiêu dùng hiện đại, đặc biệt là thế hệ trẻ tại các thị trường phát triển có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp được đánh giá là bền vững. "Những nguồn vốn đầu tư cũng được ưu tiên cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh tạo ra tác động tích cực", bà Dung nói và cho rằng doanh nghiệp Việt muốn tiến xa phải phát triển bền vững.

Theo bà Dung, dù phát triển bền vững là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, song một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững khi đứng riêng lẻ một mình.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhận định việc phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21.

Theo bà Thắng, đây cũng là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất.

Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn cũng là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Theo bà Thắng, TP.HCM cần tập trung và chủ động thực hiện các giải pháp để phát triển mô hình kinh tế này. "Thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp các ý kiến từ diễn đàn để đề xuất, kiến nghị với Thành phố các giải pháp điều hành thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững", bà Thắng cho biết.

Diễn đàn Nhịp cầu Asean++ năm 2022 có sự tham gia hơn 400 doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao, cơ quan xúc tiến thương mại các nước trong khu vực Asean như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore….

Cùng chuyên mục

Đọc thêm