"LaMDA không thể hiện bất cứ thứ gì giống như trí tưởng tượng của một số người", Pichai nói về chatbot LaMDA tại sự kiện Code 2022 do VoX tổ chức hôm qua.
LaMDA, viết tắt của Mô hình ngôn ngữ cho ứng dụng đối thoại, là một AI do Google phát triển nhiều năm qua. AI này gây tranh cãi những tháng gần đây sau khi Blake Lemoine, chuyên gia về khoa học máy tính và từng làm tại Google hơn 7 năm, khẳng định nó có "tư duy như đứa trẻ". Lemoine bị sa thải hồi tháng 7 với lý do tiết lộ bí mật công ty.
Pichai thừa nhận ông rất ngạc nhiên về những đồn thổi xoay quanh khả năng tự nhận thức của LaMDA. Tuy nhiên, ông đánh giá điều này phản ánh mối quan tâm lớn của mọi người. "Chúng tôi còn một quãng đường rất xa để có thể đạt được điều đó", Pichai nói về AI có tri giác. "Những suy nghĩ lo lắng như vậy dường như quá sớm".
Người đứng đầu Alphabet lấy ví dụ, các sản phẩm tích hợp AI của hãng như trợ lý ảo Google Assistant hay Google Voice vẫn hoạt động sai trong một số trường hợp nhất định. "Chúng là những sản phẩm hàng đầu trong lĩnh vực AI đàm thoại của chúng tôi, nhưng nhiều khi hoạt động không đúng", ông nói.
Google và công ty mẹ Alphabet đầu tư nhiều vào các hệ thống AI những năm qua. Theo Pichai, việc phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo có nhiều ý nghĩa quan trọng, giống như việc chuyển đổi từ PC sang thiết bị di động trong thế giới kỹ thuật số.
Ông cũng không cho rằng trong tương lai, thế giới bị AI đe dọa. "Tôi nghĩ AI vẫn còn chặng đường rất dài phía trước", CEO Alphabet nêu quan điểm. "Giá trị con người vẫn là nền tảng cho những nỗ lực phát triển AI. Nếu thực hiện đúng, chính công nghệ AI sẽ trao quyền cho nhân loại".
Trước đó, giới chuyên gia chia thành hai phe tranh cãi về việc AI có khả năng tự nhận thức hay không. Một bên cho rằng những AI như LaMDA chỉ đơn giản là phản hồi các lệnh mà người dùng đưa vào sao cho phù hợp, dựa trên khối lượng dữ liệu khổng lồ đã có. Ngược lại, không ít người nghĩ AI bắt đầu có khả năng tự nhận thức, hoặc tin rằng chúng sẽ tự nhận thức trong 10-20 năm nữa.
(theo Fortune)