Quy tắc mới ra ngày 8/9 của Cục Công nghiệp và An ninh - Bộ Thương mại Mỹ cho phép cung cấp một số công nghệ và phần mềm nhất định với các doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong Danh sách thực thể.
"Đây là câu trả lời cho câu hỏi rằng liệu các công ty Mỹ có cần xin giấy phép trước khi chia sẻ công nghệ 'cấp thấp' với các bên bị trừng phạt như Huawei hay không", thông báo của Bộ Thương mại Mỹ có đoạn.
Tháng 5/2019, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh cấm các công ty Trung Quốc dùng công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, chính sách cũng khiến các doanh nghiệp Mỹ bị hạn chế làm ăn với các đối tác Trung Quốc. Nó cũng được cho là động lực khiến Bắc Kinh đẩy nhanh quá trình tự chủ công nghệ và tăng sức ảnh hưởng trong bối cảnh bị gây sức ép.
Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Alan Estevez, quy tắc mới sẽ giúp nâng cao vai trò lãnh đạo của Mỹ, đặc biệt là thiết lập các tiêu chuẩn quan trọng trong lĩnh vực của công nghệ.
Huawei là một trong hàng chục công ty bị Mỹ liệt vào Danh sách thực thể từ tháng 5/2019. Kể từ đó, hãng liên tục gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Hãng hiện tìm cách đa dạng hóa các loại hình kinh doanh để giảm các tác động từ lệnh cấm. Tuần này, hãng cũng ra smartphone Mate 50 có kết nối vệ tinh nhưng không trang bị 5G.
Huawei không còn là công ty tư nhân lớn nhất Trung Quốc
Trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc 2022, Huawei đã rơi xuống vị trí thứ 5. Trước đó, hãng dẫn đầu danh sách trong 6 năm liên tiếp. Ba công ty lớn nhất hiện bao gồm hai công ty thương mại điện tử JD.com, Alibaba và nhà sản xuất dệt may Hengli Group.
Dù rớt hạng, Huawei vẫn là công ty tư nhân duy nhất đóng góp hơn 50 tỷ nhân dân tệ (hơn 7,2 tỷ USD) tiền thuế năm ngoái. Bên cạnh đó, hãng là doanh nghiệp đầu tư vào R&D lớn nhất Trung Quốc với 142,7 tỷ nhân dân tệ (20,5 tỷ USD), bỏ xa Alibaba và Tencent với khoản đầu tư lần lượt là 57,8 tỷ nhân dân tệ (8,3 tỷ USD) và 51,9 tỷ nhân dân tệ (7,5 tỷ USD).
(theo SCMP)