Quả thận của cô gái trẻ giúp bé trai "hồi sinh"
Ngày 9/9, BV Nhi đồng 2, TP.HCM đã chia sẻ tin vui sau khi thực hiện ca ghép thận thứ 23 cho bệnh nhi. Đặc biệt, đây là một trong những ca ghép thành công ở trẻ em từ người hiến chết não. Nguồn tạng được nhận từ một cô gái trẻ điều trị tại BV Chợ Rẫy khiến cho công tác cho nhận thận được diễn ra thuận lợi.
Sau khi có thông tin hiến tạng từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, BV Chợ Rẫy – BV Nhi đồng 2 đã kích hoạt quy trình ghép thận từ người chết não một cách nhanh chóng, toàn diện.
Sau hơn 2 năm chờ đợi, người mẹ rơi nước mắt hạnh phúc vì con trai đã được "hồi sinh"
Nam bệnh nhi (SN 2007) phát hiện bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối từ năm 2020. Để duy trì sự sống, bé trai phải thực hiện phương pháp thẩm phân phúc mạc, mỗi tuần 3 lần, bé trai phải theo mẹ từ Đồng Nai để lên Nhi đồng 2 chạy thận. Tháng 10/2020, gia đình đã đăng ký vào danh sách chờ ghép thận từ người hiến chết não và xem đây là cơ hội cuối cùng để cứu sống con trai của mình.
"Suốt hơn 2 năm, cô mất ăn mất ngủ vì thương con. Nó cũng phải nghỉ học để đi chạy thận, cha của bé cũng tính cho thận nhưng vì tuổi cao nên không thực hiện được. Lúc nhận được tin có người hiến thận, cô mừng lắm, hai mẹ con bắt xe lên BV liền. Giờ nó được sống lại rồi, cô cảm ơn mọi người nhiều lắm", mẹ bé trai xúc động.
Chiều 20/8, dưới sự chỉ đạo của BGĐ và sự hỗ trợ của phòng CTXH để huy động nguồn tài trợ từ cộng đồng, hỗ trợ viện phí cho ca ghép thận, bé trai đã nhập viện lúc 20h cùng ngày, thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu và phản ứng đọ chéo trước ghép.
10h30 ngày 21/8, cuộc hội chẩn Ê-kíp ghép gồm các y bác sĩ đến từ BV Chợ Rẫy, BV Nhi đồng 2 được diễn ra.
Việc vận chuyển thận và thực hiện ca ghép được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt
15h45 cùng ngày, thận của người hiến được lấy ra khỏi cơ thể để chuyển đến BV Nhi đồng 2, tiến hành ghép thận.
Sau 3h15 phút thực hiện ca phẫu thuật, bé trai được chuyển đến phòng hồi sức lúc 21h cùng ngày với các chỉ số tích cực.
"Lúc con vào phòng mổ, cô ở ngoài hành lang mà lo sợ, chỉ cầu cho con được bình an, cuối cùng thằng bé đã vượt qua được", mẹ bé trai tâm sự.
Mẹ bé trai liên tục bật khóc khi nói đến "phép màu" của con trai út
Cần thêm những ca ghép tạng "nhân văn"
Sau 2 tuần ghép thận, bé trai 15 tuổi đã được xuất viện, ăn uống sinh hoạt đều bình thường. Ngồi kế bên mẹ, bệnh nhi cho biết sau hơn 2 năm phải chạy thận nhân tạo, em cuối cùng cũng được quay trở lại cuộc sống bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa.
Trước ca phẫu thuật, dù rất lo sợ nhưng em đã dũng cảm đối mặt vì em biết, đây là cơ hội duy nhất giúp em "hồi sinh" cuộc đời cho chính mình.
Bé trai đã khỏe mạnh, ăn uống đi lại bình thường sau ca phẫu thuật ghép thận
Chia sẻ sau ca ghép tạng, TTƯT, BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng – Giám đốc BV Nhi đồng 2 cho biết trước nay, bệnh viện thường thực hiện các ca ghép thận ở người cho sống. Nguồn tạng có sự giới hạn, không nhiều bởi người cho là người thân trong gia đình, họ hàng và phụ thuộc vào tính tương thích, điều kiện kinh tế. Đó là trở ngại đối với nhiều gia đình không có điều kiện hoặc người hiến có bệnh lý, trong khi nhu cầu ghép thận ở trẻ em hiện nay nhiều và có chiều hướng tăng.
"Nguồn tạng nói chung và thận nói riêng từ người cho chết não là vô cùng quý báu, mang tính nhân văn lớn. Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới, điều này nên được duy trì và phổ biến trong văn hóa hiến tạng ở Việt Nam.
BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc BV Nhi đồng 2 chia sẻ về ca ghép thận thứ 23 tại BV
Chúng tôi không ngừng trau dồi chuyên môn, từng bước phấn đấu để làm chủ công tác ghép tạng. Minh chứng cho điều này, nhiều năm qua bệnh viện trở thành địa chỉ uy tín trong việc ghép gan và thận. Cùng với Trung tâm Điều trị Kỹ thuật cao (10 tầng) bắt đầu khởi công được xây dựng là cơ sở để hình thành và phát triển Trung tâm Ghép tạng, Phẫu thuật và Hồi sức cấp cứu nhi khoa chuyên sâu cho các tỉnh thành phía Nam để cứu chữa cho rất nhiều bệnh nhi không may mắc bệnh hiểm nghèo", Giám đốc BV Nhi đồng 2 cho biết.
Giáo sư Trần Đông A cho biết việc ghép tạng từ người hiến chết não là việc làm rất nhân văn, cần được nhân rộng để cứu sống thêm nhiều trường hợp hiểm nghèo