Doanh nghiệp

PAN ước lãi sau thuế 140 tỷ quý III, đang "chạy đua" cho việc tăng vốn

9 tháng hoàn thành 71% chỉ tiêu lợi nhuận

Tại buổi gặp gỡ cổ đông gần đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Tài chính CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group, mã: PAN) cho biết doanh thu thuần quý III ước đạt 3.643 tỷ đồng tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ đồng tăng 192%, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 53 tỷ đồng. Biên lợi nhận quý III nhích lên 18% so với 14% của cùng kỳ năm 2021.

 (Nguồn: PAN)

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt 9.815 tỷ đồng tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 537 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 230 tỷ đồng, tăng 89%. Biên lợi nhuận gộp tăng 3 điểm % so với cùng kỳ năm 2021, lên 19%.

Về cơ cấu doanh thu của tập đoàn PAN, mảng thủy sản chiếm tới 51%, nông nghiệp chiếm 35%, còn lại 14% đến từ thực phẩm tiêu dùng hàng ngày.

Dù doanh thu mảng nông nghiệp chỉ đứng vị trí thứ hai sau thủy sản nhưng lại đóng góp tới 41% cơ cấu lợi nhuận của tập đoàn, trong khi đó thủy sản chiếm 35%, còn lại là hàng tiêu dùng 13% lợi nhuận, 11% từ các lĩnh vực khác.

Năm 2022, PAN đặt kế hoạch 14.300 tỷ doanh thu và 755 tỷ lợi nhuận sau thuế. Như vậy sau ba quý đầu năm, tập đoàn PAN đã hoàn thành được 70% kế hoạch doanh thu và 71% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm 2022.

 (Nguồn: PAN) 

Đại diện tập đoàn đánh giá tỷ lệ hoàn thành này tương đối cao so với mức 55-65% của các năm trước bởi thông thường quý IV mới là cao điểm của mảng nông nghiệp cũng như thủy sản, tiêu dùng. Với tình hình này, tập đoàn PAN khá lạc quan về khả năng về đích kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Trụ cột cho tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của PAN thời điểm hiện tại và năm 2023 vẫn là nông nghiệp và thủy sản vì đây là hai mảng có nhịp đầu tư sớm hơn so với các mảng tiêu dùng. Sản phẩm tiêu dùng cần thêm thời gian để chuẩn bị cho tăng trưởng.

Ngoài các mảng kinh doanh hiện có, bà Nguyễn Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN cho biết doanh nghiệp này đang có kế hoạch mua bán và sáp nhập (M&A) thêm mảng phân bón để hoàn thiện hệ sinh thái. Và công ty con CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC) có thể là một sự lựa chọn nhờ hệ thống đại lý rộng rãi.

Gấp rút hoàn tất thủ tục tăng vốn

Liên quan đến tiến trình tăng vốn được công bố vào tháng 6, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết cho biết PAN đã nộp hồ sơ và đang trong quá trình chuẩn bị gửi lại bản giải trình lần thứ 3 cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để bổ sung thông tin theo yêu cầu.

 Tập đoàn PAN tổ chức gặp gỡ cổ đông ngày 7/9. (Ảnh: Lợi Hoàng)

"Câu hỏi yêu cầu giải trình của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ yếu về mục đích sử dụng vốn. Lần đầu tiên, bản yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán dài 15 trang, thời điểm hiện tại giải trình lần 3 số lượng câu hỏi chỉ còn 3-4 câu hỏi. Chúng tôi hy vọng nộp lên giải trình lần này sẽ được chấp nhận tăng vốn, kỳ vọng trong 1-2 tháng tới sẽ hoàn tất”, ông Tuấn nói.

Trước đó, PAN dự kiến phát hành thêm tối đa 188 triệu cổ phần, tương đương 90% số cổ phiếu đang lưu hành.

Trong đó, tập đoàn sẽ phát hành tối đa 83.557.990 cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 5:2.

Đồng thời, PAN dự kiến chào bán tối đa 104.447.375 cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp. Tỷ lệ phát hành là 2:1. Mức giá phát hành chỉ bằng khoảng 66% thị giá cổ phiếu PAN chốt ngày 6/6 (22.800 đồng/cp).

PAN dự kiến sẽ thu được khoảng gần 1.567 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

825 tỷ đồng sẽ dùng để nâng tỷ lệ sở hữu tại 5 công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả và tăng trưởng tốt nhằm nâng cao lợi ích tổng thể cả tập đoàn và tạo điều kiện lựa chọn, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho từng công ty bằng việc chuyển nhượng vốn/phát hành mới tại các công ty tương ứng.

 Danh mục công ty dự kiến nâng sở hữu của PAN Group. (Nguồn: PAN). 

Ban lãnh đạo trăn trở về giá cổ phiếu thấp

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/9, cổ phiếu PAN dừng ở mức 24.500 đồng/cp sau 3 phiên liên tiếp giảm.

Diễn biến giá cổ phiếu của PAN trong vòng 6 gần đây. (Nguồn: TradingView) 

Liên quan đến giá cổ phiếu, bà Nguyễn Thị Trà My cho biết bản thân đang giữ khá lớn cổ phiếu nhiều năm nay chưa bán ra cổ nào.

“Giá cổ phiếu chúng tôi kỳ vọng ở mức độ cao nhất nhưng nhiều khi cũng tủi thân vì tập đoàn sở hữu toàn công ty tốt nhất Việt Nam mà không hiểu sao giá cổ phiếu lại như thế. Đó là trăn trở của ban lãnh đạo không riêng ai”, bà My cho biết.

Ngoài ra, lãnh đạo PAN cho rằng giá cổ phiếu phụ thuộc vào thị trường, chứ không phải một cá nhân nào, đặc biệt là một công ty làm ăn minh bạch tối đa như PAN.

“Chúng tôi bán gói kẹo mười mấy nghìn đồng mà đẩy doanh số mười mấy nghìn tỷ là cố gắng lắm rồi. Hy vọng nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cách đi kế hoạch thời gian tới giai đoạn bùng nổ của PAN giúp giá cổ phiếu cải thiện hơn thời gian tới", bà My nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm