Tại sự kiện Far Out ngày 7/9, Apple cho biết loạt iPhone 14 có thể gửi tin nhắn qua vệ tinh trong các tình huống khẩn cấp. "Rõ ràng Apple không chỉ giới thiệu một tính năng mới, mà còn muốn thể hiện mình là một trong những công ty muốn ghi dấu ấn quan trọng trong một ngành công nghiệp mới mẻ như liên lạc vệ tinh", trang The Verge bình luận.
Sự chuẩn bị của Apple
Những năm qua, Apple âm thầm hợp tác với GlobalStar - công ty về truyền thông vệ tinh của Mỹ, hiện điều hành "chòm sao" 24 vệ tinh Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) dùng băng tần Band 53/n53 để liên lạc và truyền dữ liệu qua điện thoại vệ tinh.
Thực tế, việc bắt tay với GlobalStar đồng nghĩa Apple đã tham gia vào nhóm các công ty muốn "loại bỏ vùng chết" về sóng di động - điều mà T-Mobile đã nhấn mạnh trong buổi ký kết hợp tác với SpaceX cuối tháng 8. Dịch vụ của T-Mobile ban đầu sẽ hỗ trợ nhắn tin và thoại, sau đó đặt mục tiêu truy cập Internet không dây và các tiện ích khác.
Tính năng liên lạc vệ tinh trên iPhone về cơ bản cũng thực hiện các nhiệm vụ nêu trên. Apple dự kiến triển khai chức năng mới đầu tiên tại Mỹ và Canada vào cuối năm nay.
Apple hiện chỉ là "người chơi nhỏ" trong lĩnh vực liên lạc vệ tinh. Rất nhiều công ty đã tham gia vào lĩnh vực này từ trước. Chẳng hạn, công ty Lynk Global đang cố gắng xây dựng mạng lưới liên lạc khẩn cấp trên toàn thế giới bằng các mẫu điện thoại thông thường và từng thực hiện thành công việc gửi tin nhắn từ không gian trong thử nghiệm năm 2020. Hay AST SpaceMobile tham vọng sử dụng các mẫu điện thoại hỗ trợ mạng 4G hoặc 5G để liên lạc qua vệ tinh và đang có kế hoạch triển khai một vệ tinh thử nghiệm cuối tuần này. Amazon cũng lên kế hoạch kết nối Internet vệ tinh cho điện thoại qua dự án Kuiper, nhưng chưa rõ mốc thời gian.
Trong sự kiện ra mắt iPhone 14, Apple cho biết bước đầu tiên chỉ là sử dụng vệ tinh để gửi tin nhắn SOS trong các tình huống khẩn cấp. "Chúng tôi đã thiết lập trung tâm chuyển tiếp tin nhắn đến các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu cho các tình huống khẩn cấp. Họ sẵn sàng nhận tin nhắn từ bạn và gọi cho các tổ chức giải cứu", Ashley Williams, người đứng đầu nhóm vệ tinh và mô phỏng vệ tinh của Apple, nói.
Williams cho biết, Apple đã đổi mới cơ sở hạ tầng vệ tinh nhiều năm qua chỉ để phục vụ tính năng này. Dù vậy, quy mô đầu tư của công ty cho lĩnh vực vệ tinh vẫn là ẩn số.
Theo Reuters, Apple đang đầu tư 450 triệu USD cho cơ sở hạ tầng vệ tinh, với phần lớn số tiền được chuyển cho GlobalStar. Trong khi đó, hồ sơ của SEC cho thấy Apple đồng ý trả 95% chi phí cho các vệ tinh phục vụ tính năng SOS trên iPhone mới nhất.
Tác động đến thị trường
Dựa trên ước tính doanh thu của GlobalStar, nhà phân tích viễn thông Tim Farrar của Telecom, Media & Finance Associates cho rằng Apple có thể chi cho mỗi vệ tinh của hãng này số tiền 50 triệu USD vào năm 2026, riêng năm tới khoảng 110 triệu USD. Ông nhấn mạnh mức giá này là "tương đối thấp", nhưng có thể gây áp lực lên các nhà khai thác vệ tinh khác.
"T-Mobile nhiều khả năng sẽ không sẵn sàng trả hơn 100 triệu USD mỗi năm", Farrar nhận định. "Đối với các công ty nhỏ hơn, số tiền trên lại càng là điều không thể".
Dù vậy, đánh giá của Farrar có thể chỉ tính đến việc GlobalStar chỉ hợp tác duy nhất với Apple. Trong khi đó, hồ sơ gửi lên SEC cho thấy lĩnh vực kinh doanh của công ty này còn liên quan đến dịch vụ truyền hình cáp, dịch vụ không dây, tích hợp hệ thống và tiện ích cũng như khai thác cơ sở hạ tầng khác.
Theo nhà phân tích độc lập Harold Feld, việc hợp tác với Apple cho thấy GlobalStar đang kỳ vọng tính năng liên lạc điện thoại qua vệ tinh sẽ trở thành một tính năng phổ biến thời gian tới. Dù vậy, chuyên gia này cũng cho rằng thỏa thuận làm việc với riêng Apple có thể là con dao hai lưỡi.
"Apple có thể tự tạo cho mình quyền phủ quyết gây tác động tiêu cực đến khả năng của GlobalStar. Nói cách khác, nếu Apple nhận thấy GlobalStar bắt tay với các hãng khác gây căng thẳng cho mạng lưới vệ tinh, họ có thể dừng hợp tác", Feld nhận xét.
Theo The Verge, việc Apple giới thiệu tính năng liên lạc qua vệ tinh cho iPhone sẽ luôn có tác động lớn đến toàn bộ thị trường, như cách mà công ty đã lấn sân trong các lĩnh vực như thể thao, thời trang, giải trí... Điều này cũng khiến các công ty đối tác phải liên tục thay đổi để tốt hơn nếu không muốn bị cắt đứt mối quan hệ đối tác.