Xã hội

Tiền lương và phụ cấp của cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính

Tóm tắt:
  • Nghị quyết 76 quy định chế độ tiền lương và phụ cấp cho cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính.
  • Nghị quyết có hiệu lực từ 15-4-2025, thay thế Nghị quyết 35/2023.
  • Cán bộ, công chức giữ nguyên lương và phụ cấp trong 6 tháng sau sắp xếp.
  • Số lượng cán bộ sau sắp xếp không vượt quá số hiện có trước đó.
  • Ngân sách trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ngày 14-4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số: 76/2025/UBTVQH15 của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 (gọi tắt là Nghị quyết 76). Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 15-4 và thay thế Nghị quyết số: 35/2023/UBTVQH15.

Tiền lương cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết 76 - Ảnh 1.

Tiền lương, phụ cấp với cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp đơn vị hành chính được giữ nguyên trong 6 tháng (Ảnh minh hoạ)

Nghị quyết này quy định về việc sắp xếp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là đơn vị hành chính cấp tỉnh) và sắp xếp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là đơn vị hành chính cấp xã) trong năm 2025 theo các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo Nghị quyết của UBTVQH, kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã có hiệu lực thi hành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính trước sắp xếp tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính sau sắp xếp chính thức hoạt động.

Về số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, Nghị quyết 76 quy định:

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp, không kể số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã.

Tại thời điểm sắp xếp, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn số lượng so với quy định.

Chậm nhất là 5 năm kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã có hiệu lực thi hành, số lượng và việc bố trí lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính sau sắp xếp thực hiện theo quy định.

Nghị quyết của UBTVQH cũng quy định giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính mà vẫn là cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian 6 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác. Sau thời hạn này, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.

Việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp: Người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang trên địa bàn đơn vị hành chính sau sắp xếp tiếp tục hưởng chế độ, chính sách đặc thù áp dụng theo vùng, theo khu vực hoặc theo đơn vị hành chính như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.

Giữ nguyên phạm vi, đối tượng và nội dung của các chế độ, chính sách theo quy định của trung ương và địa phương áp dụng đối với đơn vị hành chính như trước khi sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.

Trường hợp có thay đổi tên gọi của đơn vị hành chính sau sắp xếp thì sử dụng tên gọi mới của đơn vị hành chính để tiếp tục tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù.

Việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19-2-2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Việc cấp, sử dụng con dấu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ.

Ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 100 tỉ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2025 theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.


Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Toàn cảnh nhà ga gần 11.000 tỷ tại sân bay Tân Sơn Nhất trước ngày vận hành

TPO - Dự án nhà ga hành khách quốc nội T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang bước vào giai đoạn “chạy nước rút”, với các công đoạn vệ sinh và thử nghiệm vận hành được triển khai khẩn trương. Dự kiến, công trình có tổng vốn gần 11.000 tỷ đồng này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/4 tới.

Thương hiệu thiết bị làm đẹp cao cấp GEMO từ Thụy Sĩ chính thức ra mắt tại Việt Nam

GEMO, thương hiệu thiết bị làm đẹp cao cấp đến từ Thụy Sĩ, chính thức ra mắt thị trường Việt Nam thông qua sự kiện “Timeless Beauty” được tổ chức tại Crescent Mall, Quận 7, TP.HCM. Sự kiện cũng đồng thời đánh dấu cột mốc khai trương cửa hàng thứ hai của GEMO tại Việt Nam, sau sự hiện diện đầu tiên tại trung tâm thương mại Takashimaya.