Trong bài đăng trên nền tảng X hôm 8/4, Mr Beast (tên thật là Jimmy Donaldson) viết: "Thật trớ trêu khi mức thuế quan mới khiến việc sản xuất những thanh chocolate mà chúng tôi bán trên toàn cầu không phải ở Mỹ lại rẻ hơn nhiều".

Thương hiệu chocolate Feastables của YouTuber MrBeast có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Ảnh: Feastables
Feastables - thương hiệu chocolate của MrBeast - hiện có mặt tại Bắc Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Malaysia. Dù được thiết kế tại quê nhà Greenville, Bắc Carolina, sản phẩm được sản xuất tại Peru và Mỹ. Gần đây, công ty bắt đầu mở rộng chuỗi cung ứng sang khu vực Tây Phi, nơi có nguồn ca cao dồi dào và giá cả cạnh tranh hơn.
Một ví dụ điển hình là Bờ Biển Ngà, quốc gia xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới, hiện bị Mỹ áp thuế 21%, có hiệu lực từ ngày 10/4. Theo Youtuber 27 tuổi, điều này có thể đẩy các công ty như anh đến quyết định chuyển hẳn dây chuyền sản xuất ra nước ngoài để giảm chi phí.
Ngoài yếu tố tài chính, MrBeast cũng nhấn mạnh rằng anh đang theo đuổi mục tiêu sản xuất bền vững bao gồm trả lương đủ sống cho nông dân trồng ca cao và đảm bảo sản phẩm đạt chứng nhận thương mại công bằng. Do đó, "mức tăng giá ngẫu nhiên" vì thuế quan khiến anh cho rằng chính sách mới là "khá tàn bạo".
"Chúng tôi sẽ tìm ra cách. Nhưng tôi thật sự thấy thương cho các doanh nghiệp nhỏ. Điều này có thể là chiếc đinh cuối cùng đóng vào quan tài của họ", anh viết.
Feastables là mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao nhất trong hệ sinh thái công ty Beast Industries của MrBeast. Năm 2024, thương hiệu này đóng góp gần một nửa doanh thu, đạt khoảng 215 triệu USD. Trong khi đó, mảng truyền thông bao gồm kênh YouTube và chương trình trên Amazon Prime chiếm phần lớn lượng khán giả và doanh thu nhưng lại không sinh lời do chi phí sản xuất quá cao.
Trái với phản ứng của các doanh nghiệp, ông Trump gọi việc áp dụng thuế mới là một chiến lược để "đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ" và khôi phục nền công nghiệp nội địa. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thuế quan quá rộng và thiếu linh hoạt có thể tạo tác dụng ngược, khiến chính các công ty Mỹ phải cắt giảm hoặc tái cấu trúc toàn bộ chuỗi cung ứng để tồn tại.