Mới đây, Công ty Cổ phần Sản xuất Dịch vụ Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội, đề xuất nhận thực hiện toàn bộ việc phá dỡ công trình “Hàm cá mập” tại số 7 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm - theo hình thức không lấy tiền từ ngân sách. Đổi lại, doanh nghiệp được tận thu vật liệu, phế thải xây dựng từ quá trình phá dỡ để bù đắp chi phí.
Đại diện Công ty Toàn Cầu khẳng định họ có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm thi công phá dỡ, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng, từng tham gia các dự án lớn như trùng tu Tòa án Nhân dân Tối cao tại số 48-48A Lý Thường Kiệt (giai đoạn 2), và đang vận hành khu xử lý tái chế phế thải rộng 6,5ha trên địa bàn quận Hoàng Mai…

Tòa nhà "Hàm cá mập"
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngay sau khi có đề xuất của doanh nghiệp, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản về ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn để UBND quận Hoàn Kiếm xem xét, xử lý theo quy định.
Thông tin cụ thể về đề xuất phá dỡ tòa nhà “Hàm cá mập” của doanh nghiệp, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, chi phí phá dỡ tòa nhà dự kiến trước đây khoảng 14 tỷ đồng. Chi phí này không chỉ là phá dỡ công trình mà còn bao gồm cả những biện pháp đặc biệt như quây kín 6 tầng nhằm tránh triệt để các tác động môi trường trong thời gian phá dỡ, hoàn trả hạ tầng: thảm lòng đường, lát đá vỉa hè…
Theo đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, quận hoan nghênh các doanh nghiệp quan tâm đến việc phá dỡ công trình “Hàm cá mập ” gần hồ Gươm. Tuy nhiên đây là dự án của thành phố, do đó thẩm quyền của thành phố, hiện quận Hoàn Kiếm đã có văn bản gửi Sở Tài chính đề nghị hướng dẫn thực hiện nội dung này.
Vị này thông tin thêm, đến thời điểm này không chỉ có Công ty Toàn Cầu, mà có 3 đơn vị khác cũng đã gửi văn bản đề xuất phá dỡ công trình “Hàm cá mập” với chi phí 0 đồng và tận thu phế liệu sau phá dỡ. Tuy vậy theo quy định, dự án phá dỡ tòa nhà “Hàm cá mập” sẽ phải đấu thầu rộng rãi để lựa chọn đơn vị thi công. Cùng với đó, việc xử lý tài sản công sau phá dỡ cũng phải tiến hành theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy hoạch phân khu đô thị H1-1B đã được phê duyệt, khu đất hiện tại của tòa nhà “Hàm cá mập” sẽ được giữ chức năng công cộng, dự kiến bố trí lối lên xuống tầng hầm và các bậc khán đài cho quảng trường. Sau khi phá dỡ, Hà Nội sẽ có được một không gian quảng trường rộng 12.000m² - một không gian mở giữa lòng Thủ đô, phục vụ các kỳ lễ lớn và sinh hoạt cộng đồng. Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhận định: việc phá dỡ “Hàm cá mập” không chỉ là bước chỉnh trang đô thị mà còn là cơ hội vàng để kết nối không gian hồ Hoàn Kiếm, phố cổ với các tuyến phố liền kề như Đinh Liệt, Cầu Gỗ, tạo thành một chỉnh thể không gian văn hóa và giao thông phục vụ người dân.