Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều ngày 6/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã cung cấp một số thông tin liên quan đến việc thực hiện chủ trương miễn viện phí cho toàn dân.
Về định hướng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay từ năm 2026 - 2030, 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khoẻ, tiêm chủng vắc xin đầy đủ theo độ tuổi, đối tượng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, sức khoẻ tâm thần, sàng lọc nguy cơ sức khoẻ, khám sức khoẻ định kỳ...
"100% người dân được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Chúng tôi ước tính 100 triệu người dân với chi phí mỗi lần khám sức khoẻ khoảng 250.000 đồng/người thì chúng ta chi khoảng 25.000 tỷ đồng/năm", ông Trần Văn Thuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời tại cuộc họp. (Ảnh: VGP).
Theo đó, người dân được lập sổ sức khoẻ điện tử để quản lý sức khoẻ trong suốt vòng đời, được sống trong môi trường xanh, sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng hợp lý; người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế được quan tâm, chăm sóc xã hội; nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ nhân dân được bảo đảm.
Ngân sách Nhà nước tăng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế để phấn đấu 100% dân số có bảo hiểm y tế. Đồng thời, mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế và từng bước chi trả cho dịch vụ dự phòng, khám sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm, từng bước giảm tỷ lệ chi trả của người dân trong tổng chi tiêu cho sử dụng dịch vụ y tế xuống dưới 20%, tỷ lệ đồng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế xuống dưới 10%.
"Đến năm 2045, hệ thống y tế đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của người dân, giảm gánh nặng chi phí y tế, thực hiện chủ trương người dân không phải chi trả thêm chi phí khi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Thứ trưởng cho biết từ năm 2026 - 2030, Bộ Y tế sẽ tiến hành nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách để thực hiện như mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản để tăng lên 20 - 30% mức lương cơ sở (hiện nay là 15%), khám sức khoẻ định kỳ, khám sàng lọc chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh, một số đối tượng có nguy cơ (theo độ tuổi, nghề nghiệp...).
Nghị định mới cũng nghiên cứu tăng mức hưởng lên 100% đối với các đối tượng đang có mức hưởng 95%, có lộ trình tăng dần mức hưởng đối với đối tượng đang có mức hưởng 80%. Hiện tại có ba mức hưởng: mức hưởng 80%, mức hưởng 95%, mức 100%.
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu mở rộng tỷ lệ, mức thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật, thuốc, thiết bị y tế đối với một số đối tượng như người nghèo, người cận nghèo, người có mức sống trung bình, một số nhóm bệnh. Bộ sẽ kiểm soát chặt chẽ việc lạm dụng, trục lợi từ việc cung cấp miễn phí dịch vụ khám chữa bệnh, gây lãng phí nguồn lực, quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Giai đoạn từ năm 2030 - 2035, Bộ Y tế dự kiến nghiên cứu để sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế, hoàn thiện các chính sách, quy định, hướng dẫn để thực hiện miễn phí chăm sóc sức khoẻ toàn dân bền vững, ổn định, lâu dài.
Thứ trưởng khẳng định việc thực hiện chủ trương miễn viện phí cho toàn dân sẽ có tác động tích cực trong tiếp cận dịch vụ y tế, chủ động phòng, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh tật, tăng hiệu quả điều trị, sử dụng tối ưu nguồn tài chính y tế, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, cải thiện nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, sức khoẻ tốt hơn đồng nghĩa với việc chất lượng lao động năng suất cao hơn, góp phần tăng trưởng GDP và giảm nguy cơ tụt hậu về kinh tế. Mặt khác, miễn viện phí, ưu tiên cho đồng bằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa sẽ tăng tiếp cận dịch vụ y tế đối với các đối tượng yếu thế, giảm chênh lệch giàu nghèo.