Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Đà Nẵng nhiều năm liên giữ vị trí là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tại khu vực miền Trung. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại thành phố này đạt 6,224 triệu đồng/tháng, gần gấp đôi mức 3,612 triệu đồng/tháng của năm 2014.
Trong 10 năm qua, thu nhập bình quân đầu người tại Đà Nẵng đã có những bước tiến đáng kể, có thể thấy rõ sự thay đổi qua từng giai đoạn cụ thể.
Năm 2014 - 2019
Giai đoạn này, Đà Nẵng chứng kiến tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ấn tượng. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người tại Đà Nẵng là 3,612 triệu đồng/tháng. Đến năm 2016, con số này tăng lên 4,441 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng 22,9%.
Tiếp tục đà tăng trưởng, năm 2018, thu nhập bình quân của Đà Nẵng đạt 5,505 triệu đồng/tháng, tăng tới 23,9% so với năm 2016. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất thành phố đạt được trong 10 năm.
Năm 2019, tốc độ tăng thu nhập của Đà Nẵng vẫn duy trì được xu hướng tích cực, tăng 10% so với năm 2018, lên mức 6,057 triệu đồng/tháng.
Năm 2020 - 2021
Đại dịch COVID-19 đã gây ra “cú sốc” lớn tới kinh tế toàn cầu và Đà Nẵng cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Năm 2020 và 2021, thu nhập bình quân đầu người của thành phố có phần giảm sút so với hai năm trước đó.
Cụ thể, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tại Đà Nẵng giảm tới 12,8%, xuống mức 5,283 triệu đồng/tháng. Năm 2021, con số này tiếp tục giảm nhẹ, xuống mức 5,23 triệu đồng/tháng. Dù mức giảm không lớn, nhưng vẫn cho thấy sự ảnh hưởng kéo dài của đại dịch tới nền kinh tế địa phương.
Năm 2022 - 2023
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Đà Nẵng đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại, với tốc độ tăng tương ứng đạt 11%, nâng mức thu nhập trung bình lên 5,807 triệu đồng/tháng và tiếp tục có sự cải thiện khi đạt 6,224 triệu đồng/tháng vào năm 2023. So với các địa phương khác trên cả nước, Đà Nẵng xếp thứ 6 về thu nhập bình quân đầu người năm 2023.
Trong đó, 5 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước là Bình Dương 8,298 triệu đồng/tháng, Hà Nội 6,869 triệu đồng/tháng, Đồng Nai 6,579 triệu đồng/tháng, TP HCM 6,516 triệu đồng/tháng, Hải Phòng 6,391 triệu đồng/tháng.
Đây là một dấu hiệu tích cực, cho thấy kinh tế Đà Nẵng đang dần phục hồi và phát triển sau thời kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Đà Nẵng không còn nằm trong top 5 địa phương đắt đỏ
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2022, 2023 và Niên giám thống kê năm 2021, từ năm 2015 đến nay, Đà Nẵng luôn nằm trong top 10 địa phương có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước.
Trong đó, năm 2015, thành phố này xếp thứ 9 với chỉ số SCOLI 96,44%. Tới năm 2018, chỉ số SCOLI của Đà Nẵng tăng gần 1,4 điểm phần trăm, vượt lên vị trí thứ ba về chi phí đắt đỏ và duy trì thứ hạng này đến hết năm 2019. Trong các năm 2020, 2021 và 2022, Đà Nẵng đứng thứ 4 cả nước, với chỉ số SCOLI lần lượt là 97,11, 96,4% và 95,89%.
Sau 5 năm luôn trong top 5 tỉnh, thành phố có chi phí sinh hoạt cao nhất cả nước, đến năm 2023, Đà Nẵng đã lùi xuống vị trí thứ 8 cùng chỉ số SCOLI bằng 93,51%, giảm gần 2,4 điểm phần trăm so với năm trước đó.
Sở dĩ Đà Nẵng luôn giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng các địa phương có chi phí đắt đỏ bởi đây là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, được xác định là trung tâm cấp quốc gia.
Đồng thời, Đà Nẵng là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung, với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế.