Sáng 8/8, đã diễn ra Hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA).
Tại hội thảo, các doanh nghiệp, hiệp hội và các chuyên gia bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và đóng góp ý kiến.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), dư luận rất quan tâm đến đề xuất tăng thuế tiêu thụ (TTĐB) đặc biệt cao theo hai phương án mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với mặt hàng rượu, bia cũng như việc mở rộng việc áp thuế với mặt hàng nước giải khát có đường.
Các đề xuất này không chỉ có tác động lớn, trực tiếp tới các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát, mà còn tác động tới chuỗi ngành hàng liên quan, tới lao động, an sinh xã hội…
Dẫn số liệu được Oxford Economic đưa ra, ông Việt cho biết ngành bia đóng góp 555 USD vào GDP toàn cầu, tạo ra 23 triệu công ăn việc làm và đóng góp 66 tỷ đô la tiền thuế cho các chính phủ trên toàn thế giới trong năm 2019; mặc dù ngành bia chỉ chiếm khoảng 3% lao động, nhưng đang tạo ra tới 7% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
"Theo tính toán, cứ một công việc trực tiếp tại nhà máy tạo ra khoảng trên 50 công việc gián tiếp trong chuỗi cung ứng phụ trợ", Chủ tịch VBA nói.
Nhấn mạnh hiện đang có rất nhiều luồng ý kiến tranh luận với những đề xuất trên, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp còn khó khăn, ông Việt đề nghị việc tăng thuế TTĐB với các mặt hàng đồ uống cũng như bổ sung mặt hàng mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện trong điều kiện ở Việt Nam để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất.
Cần có lộ trình tăng thuế phù hợp
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống liên tục giảm trong các năm gần đây, năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10 - 12% so với năm trước.
Với tác động của luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có thể tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn, sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tổng hòa về việc tăng hay giảm thu thuế là chưa rõ.
Vì vậy, TS. Lực đề xuất, cần đánh giá tác động để lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế của Việt Nam, hài hoà lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; có đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Đồng thời, cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi.
Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đưa ra hai phương án lộ trình tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia.
Phương án 1, tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.
Phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030.
Tương tự, mặt hàng rượu trên 20 độ cũng được đề xuất hai phương án tăng thuế TTĐB giống với mặt hàng bia.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam cũng đề xuất việc tăng thuế TTĐB với các sản phẩm có cồn phải được thực hiện theo lộ trình và mức tăng phù hợp với nền tảng kinh tế của Việt Nam, cũng như trong bối cảnh chi phí đầu vào của các doanh nghiệp đang tăng cao đặc biệt là chi phí logistic do các xung đột địa chính trị leo thang trên toàn cầu.
Việc thay đổi hành vi tiêu dùng cần phải có thời gian, đúng hướng và thực hiện dần dần để tránh hệ luỵ tiêu cực như việc người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm lậu, không rõ nguồn gốc vừa thất thu ngân sách Nhà nước vừa ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Bên cạnh đó, đại diện Heineken cũng nhấn mạnh mặc dù chỉ chiếm 3% tổng số lao động nhưng ngành bia tạo ra tới 7% giá trị giá tăng và chiếm khoảng 6% tổng giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp và đóng góp gần 60.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước trong năm 2023.
Với riêng Heineken, năm 2023 doanh nghiệp này đã tạo ra 3.355 việc làm trực tiếp và 172.000 việc làm gián tiếp trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Heineken cũng đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 33.000 tỷ đồng tương ứng với 2,1% tổng số thuế phải nộp trên cả nước. Đáng chú ý, khi sản lượng sụt giảm khoảng 26% thì tổng giá trị gia tăng mà Heineken đóng góp đã giảm 28% và số thuế nộp vào ngân sách Nhà thước thực tế đã giảm 37%.
Điều này cho thấy khi sản lượng của các doanh nghiệp ngành bia sụt giảm, số tiền đóng góp vào ngân sách Nhà nước cũng sụt giảm hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy, doanh nghiệp này đề xuất nên sẽ giữ ổn định 65% trong ba năm sửa Luật thuế TTĐB kể từ ngày đầu tiên có hiệu lực và sau đó tăng không quá 3 - 5% trong mỗi 3 năm tiếp theo.
Nếu như năm 2026 thực hiện tăng thuế TTĐB theo phương án 2 của Bộ Tài chính thì thuế suất đối với các mặt hàng bia sẽ tăng khoảng 15% khiến giá sản phẩm tăng 20%. Khi đó, sẽ dẫn đến sự sụt giảm sản lượng và số thuế nộp ngân sách Nhà nước sẽ giảm. Bà Ánh cũng dẫn chứng về đường cong Laffer tức là có một mức thuế tối ưu và khi vượt qua mức này thì thì số thu thuế sẽ giảm chứ không tăng.
Bên cạnh đó, Heienken cũng nêu vấn đề về sự không nhất quán giữa thuế TTĐB của rượu và bia. Việc gộp bia và vào với các dòng rượu từ 20 độ trở lên là không phù hợp vì ảnh hưởng đối với sức khỏe con người tuỳ theo nồng độ cồn.
Vì vậy, cần sử dụng thuế TTĐB như một công cụ điều tiết việc sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm có độ cồn thấp hơn để tránh và giảm sự ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng. Kinh nghiệm của các quốc gia khác thì rượu lúc nào cũng cần phải đành thuế cao hơn bia, bà Ánh nhấn mạnh.