Sáng 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết, tổng số dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công khoảng 1.700 km, từ các dự án cao tốc thuộc trục Bắc - Nam, các dự án kết nối theo trục Đông - Tây, kết nối khu vực Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên.
Trong đó, có khoảng 1.200 km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025. Có 13 dự án/dự án thành phần với chiều dài 736 km đủ điều kiện thuận lợi sẽ được hoàn thành trong năm 2025, 10 dự án/dự án thành phần với chiều dài 377 km cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành trong năm 2025.
Hoàn thành thêm 1.200 km cao tốc năm 2025
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, các công trình triển khai, hoàn thành đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án đi qua.
Các dự án đã tạo khu đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị gia tăng của đất đai, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, di chuyển thuận tiện, tạo sinh kế cho người dân, phát triển doanh nghiệp, góp phần giải ngân đầu tư công, thúc đẩy động lực tăng trưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng chỉ rõ vẫn còn một số công việc vẫn chưa hoàn thành đúng hạn hoặc triển khai chưa đạt yêu cầu, như chưa khởi công dự án thành phần 2 Cao Lãnh - An Hữu, công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn chậm, việc triển khai thủ tục điều phối nguồn vật liệu san lấp cho các dự án khu vực phía Nam còn chậm...
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu hoàn thành thêm khoảng 1.200 km cao tốc vào năm 2025, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên trên 3.000 km
Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết "đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025".
Kế hoạch phải phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết, để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm soát chặt tiến độ thi công các dự án, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.
Đặc biệt, đối với các dự án đang chậm tiến độ, Thủ tướng yêu cầu cần có sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư, các nhà thầu mới có thể hoàn thành đúng tiến độ.
Với công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật (điện cao thế), Thủ tướng nêu rõ, đây là phần ảnh hưởng trực tiếp đến đường găng tiến độ của dự án. Do đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương phải tập trung và quyết liệt hơn nữa để sớm nhất hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Sớm khai thác metro Bến Thành - Suối Tiên
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp với các địa phương hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Hòa Liên - Túy Loan trong năm 2025 và dự án thành phần 2 Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh theo kế hoạch.
Khẩn trương triển khai lựa chọn nhà đầu tư để sớm khởi công dự án Dầu Giây - Tân Phú, hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, đẩy nhanh việc triển khai dự án thành phần 4 Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hoàn thiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để trình các cấp có thẩm quyền.
Với các địa phương, Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội, Cao Bằng phối hợp với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ, sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội).
Các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn đầu tư công qua Ninh Bình và đoạn Nam Định - Thái Bình theo phương thức PPP), TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Tỉnh Lâm Đồng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết vướng mắc, sớm phê duyệt dự án đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.
Các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành. Tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ GTVT để điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Biên Hòa - Vũng Tàu.
Đặc biệt, TP HCM khẩn trương chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án Vành đai 4. Cần phải chủ động, quyết liệt, tích cực triển khai để đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên theo đúng tiến độ đề ra.
Với các địa phương có mỏ vật liệu khu vực phía Nam, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo về phối hợp triển khai các thủ tục cấp mỏ vật liệu đắp, mỏ đá cho các dự án, ưu tiên trước cho dự án Cần Thơ - Cà Mau và Vành đai 3 TP HCM có kế hoạch hoàn thành năm 2025.