Thị trường bất động sản cận kề sân bay Long Thành tiếp tục được quan tâm trong bối cảnh sân bay đang thúc đẩy tiến độ về đích và khai thác vào năm 2026.
Chia sẻ tại cuộc họp ngày 8/8, ông Lại Xuân Thanh- Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, phần xây dựng nhà ga sẽ xong trước năm 2025, lắp dựng mặt đứng trước tháng 3/2026. Song song với công tác hoàn thiện, nhà thầu cho lắp đặt thiết bị vận hành thử từ đầu năm 2026, phấn đấu đưa vào khai thác nhà ga trước 31/8/2026. Ngày 2/9/2026, sân bay Long Thành sẽ đón chuyến bay thương mại đầu tiên.
Ngoài tiến độ các gói thầu đang được đảm bảo, lãnh đạo ACV kiến nghị Quốc hội cho phép xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và triển khai thi công san nền khu vực nhà ga T3 để tránh việc "phát tán bụi" khi sân bay hoạt động. Đồng thời, ACV mong muốn Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai dự án mở rộng cao tốc Tp.HCM – Long Thành - Dầu Giây trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự án sân bay Long Thành có ý nghĩa phát triển kinh tế rất lớn, khi hoạt động giải quyết 200.000 lao động trong và ngoài khu vực sân bay. Chủ đầu tư và đơn vị thi công cần cập nhật liên tục tiến độ dự án để đồng bộ, tạo sự liên kết các hạng mục.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Giai đoạn một, sân bay xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm, dự kiến hoàn thành năm 2026. Giai đoạn hai, sân bay xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn 3, sân bay hoàn thành hạng mục còn lại để đạt công suất 100 triệu khách/năm.
Mới đây, khi tiếp xúc với các môi giới bán bất động sản khu vực Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) được biết, từ cuối năm 2023, động thái quay trở lại thị trường săn bất động sản (bao gồm cả đất nền và căn hộ) lân cận dự án sân bay đã âm thầm diễn ra. Đến thời điểm sân bay dần hiện hình, một số nhóm đầu tư tỏ ra sốt sắng với tài sản đã sở hữu.
Trong khi, nhà đầu tư mới cũng “căn” tiến độ sân bay để vào thị trường. Ngoài đất nền thì căn hộ giá mềm, có thể khai thác cho thuê hoặc chuyển nhượng cho đối tượng khách hàng sau này là chuyên gia, kỹ sư, nhân viên sân bay… được các nhà đầu tư nhắm đến.
Theo đó, gần đây khi tiến độ sân bay Long Thành đang về đích thì nhà đầu tư cũng có động thái “đi trước đón đầu” ở các dự án cận kề. Minh chứng là môi giới bất động sản khu vực Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ (Đồng Nai), hay Bà Rịa – Vũng Tàu đã có giao dịch đều tay hơn thời điểm trước.
Chẳng, tại TT Hiệp Phước, Nhơn Trạch, dự án FIATO Airport City của Thang Long Real Group tại mặt tiền đường Tôn Đức Thắng, vị trí cận kề sân bay Long Thành và các khu công nghiệp lớn của Nhơn Trạch đang nhận được sự quan tâm tích cực từ thị trường. Dự án đã được khởi công xây dựng và dự kiến sẽ bàn giao vào thời điểm vận hành của sân bay Long Thành. Theo các môi giới, thời gian qua, nhu cầu quan tâm căn hộ này để ở và đầu tư cho thuê dài hạn khá tốt.
Nhà đầu tư nhắm được khi sân bay hiện hữu thì khách hàng là các đối tượng làm việc trong sân bay sẽ có nhu cầu lớn về nhà ở/thuê ở. Vì thế, việc tìm kiếm bất động sản lân cận sân bay để đón sức cầu trong tương lai là động thái dễ thấy nhất ở giai đoạn này. Bên cạnh nhà đầu tư cá nhân thì doanh nghiệp địa ốc cũng bắt nhịp thị trường bằng cách đẩy tiến độ dự án, giới thiệu dự án ra thị trường... và nhận được sự quan tâm tích cực.
Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư và môi giới, hiệu ứng của thị trường bất động sản Đồng Nai ở thời điểm này không hoàn toàn đến từ siêu dự án sân bay Long Thành. Các yếu tố hạ tầng kết nối, giá hợp lý, cùng niềm tin người mua nhà hồi phục đã khiến thị trường bất động sản nơi đây "tăng nhịp". Dẫu vậy, so với thị trường cận kề là Bình Dương, Tp.HCM thì bất động sản Đồng Nai chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển, cần thêm nhiều lực đẩy khác để nơi đây thực sự thu hút được nhà đầu tư, tạo thế vững trong chu kì mới của thị trường địa ốc.