Doanh nghiệp

Lãnh đạo Bamboo Capital: Dự án Malibu Hội An và Hoian D"Or có thể ghi nhận lợi nhuận hơn 300 tỷ nửa cuối năm

 Các lãnh đạo Bamboo Capital tại sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư chiều 8/8. (Ảnh: Bamboo Capital).

Chiều 8/8, CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (Mã: BCG) đã tổ chức buổi gặp gỡ nhà đầu tư theo hình thức trực tuyến để thông tin về kết quả kinh doanh quý II cũng như 6 tháng đầu năm.

Quý II/2024, Bamboo Capital ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.114,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 318,6 tỷ đồng, tăng trưởng 98,2% so với cùng kỳ.

Cơ cấu doanh thu quý vừa rồi được đóng góp chủ yếu bởi mảng năng lượng tái tạo (NLTT) – BCG Energy với 33%, theo sau là mảng xây lắp (30,4%), dịch vụ tài chính bảo hiểm AAA chiếm 16%. Còn mảng bất động sản đóng góp gần 9%.

 Nguồn: Bamboo Capital.

Theo ban lãnh đạo công ty, điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý vừa rồi của tập đoàn đến từ mảng năng lượng, mảng xây lắp và đặc biệt là mảng tài chính với Bảo hiểm AAA. Việc hợp nhất mảng dược phẩm Tipharco cũng mang lại tích cực trong kết quả kinh doanh của công ty, giúp gia tăng nguồn thu và tổng tài sản cho tập đoàn.

Chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho biết, ngay từ cuối năm 2023, tập đoàn đã chủ động thu hẹp hoạt động đầu tư, chỉ tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi cũng như kiểm soát chặt chẽ chi phí tài chính, chủ động mua lại trước hạn các lô trái phiếu. Nhờ đó, đòn bẩy tài chính của công ty đã có sự thay đổi, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm từ 0,7 lần tại đầu năm về còn 0,6 lần tại ngày 30/6.

“Trong năm nay, Bamboo Capital gần như không chịu áp lực về đáo hạn nợ trái phiếu và tập đoàn chủ trương không gia tăng nợ vay nếu không cần thiết”, ông Phạm Minh Tuấn cho biết.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Tổng Giám đốc điều hành Bamboo Capital thông tin thêm, tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung vào 4 trụ cột cốt lõi gồm: Năng lượng, Bất động sản, Tài chính & Bảo hiểm, và Xây dựng hạ tầng. Đây đều là những mảng kinh doanh có tính tương hỗ cao, vừa giúp giảm thiểu rủi ro tổng thể, vừa giúp tập đoàn sử dụng chung nguồn lực để tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh cũng như tiếp cận vốn.

“Với mô hình đa ngành như hiện tại, tập đoàn sẽ hạn chế các rủi ro mang tính chu kỳ ngành. Khi một mảng kinh doanh đi xuống thì sẽ có các lĩnh vực khác bù đắp. Bamboo Capital sẽ tiếp tục hoạt động đa ngành nhưng sẽ không đầu tư dàn trải”, ông Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.

Về triển vọng kinh doanh nửa cuối năm, ông Phạm Minh Tuấn cho biết, mảng năng lượng sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực trong thời gian tới khi các dự án hiện hữu đã đi vào hoạt động ổn định.

Trong quý III này, Nhà máy điện mặt trời BCG Phù Mỹ 3 trong cụm dự án BCG Phù Mỹ dự kiến sẽ ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhờ đó kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện.

BCG Energy (Mã: BGE) – công ty chuyên mảng NLTT đang triển khai 4 dự án, gồm Điện gió Cà Mau Giai đoạn 1 (100 MW), Điện gió Trà Vinh Giai đoạn 1 (80 MW), Điện mặt trời Krong Pa Giai đoạn 2 (49 MW), và gần đây nhất là dự án Điện rác Tâm Sinh Nghĩa (60 MW) vừa được khởi công xây dựng tại Củ Chi, TP HCM.

Ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ, mảng điện rác là lĩnh vực kinh doanh mới. Bamboo Capital sẽ vận hành thương mại Nhà máy Điện rác Tâm Sinh Nghĩa Giai đoạn 1 tại TP HCM vào năm 2025. Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ giúp xử lý khoảng 2.600 tấn rác/ngày, tương đương 25% lượng rác thải hàng ngày của thành phố, sản lượng điện phát lên lưới dự kiến lên đến 365 triệu kWh/năm. Ước tính nhà máy điện rác khi đi vào hoạt động sẽ đem về doanh thu khoảng 1.400 tỷ đồng/năm, đã bao gồm cả doanh thu phát điện và xử lý rác.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về vấn đề dòng tiền kinh doanh đang âm, ông Phạm Hữu Quốc, Giám đốc tài chính Bamboo Capital cho biết, tập đoàn đã dồn lực đẩy nhanh loạt dự án trọng điểm, bao gồm dự án Điện rác Tâm Sinh Nghĩa (tổng nguồn vốn 6.300 tỷ đồng) và dự án bất động sản King Crown Infinity (4.717 tỷ đồng), cũng như chủ động thu xếp nguồn tiền để thanh toán các khoản nợ vay tài chính, trả nợ cho các hợp đồng hợp tác kinh doanh, khiến nhu cầu vốn tăng cao và dòng tiền rơi vào trạng thái âm.

Ông Quốc cũng khắc định đây chỉ là trạng thái trong ngắn hạn, không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Vị Giám đốc tài chính cũng cho biết thêm, sắp tới dự án King Crown Infinity sẽ mở bắt đầu mở bán vào tháng 9. Còn hai dự án Malibu Hội An và Hội An D’or dự kiến sẽ có mức doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm nay khi dự án được bàn giao và lợi nhuận thu về hơn 300 tỷ đồng. Dự án điện rác khi đi vào hoạt động vào 2026 cũng sẽ mang lại dòng tiền 1.400 tỷ mỗi năm.

 Thông tin về Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa do BCG Energy làm chủ đầu tư. (Nguồn: Bamboo Capital).

Ông Phạm Minh Tuấn cũng bổ sung thêm, do chiến lược của tập đoàn là giảm mức đầu tư để tập trung cơ cấu nợ. Khi điều kiện thị trường thay đổi, công ty tái đầu tư trở lại, đồng nghĩa công ty sẽ phải huy động vốn nên có sự thay đổi về dòng tiền. Dòng tiền âm cũng cho thấy tập đoàn đã tìm được dự án để đầu tư.

BĐS khu công nghiệp sẽ là trọng tâm mới giai đoạn 2024 – 2030

Đối với mảng bất động sản khu công nghiệp, lãnh đạo BCG Land cho biết công ty đang hoàn thiện pháp lý đối với dự án Khu công nghiệp Cát Trinh (368,1 ha, Bình Định), dự kiến các thủ tục sẽ hoàn tất trong cuối năm 2024 - đầu năm 2025. BCG Land cũng đang nghiên cứu đầu tư các khu công nghiệp tại Quảng Ngãi và Sóc Trăng.

Phó Tổng Giám đốc thường trực BCG Land nói thêm, dựa trên xu hướng dòng vốn, mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ là trọng tâm kinh doanh mới của tập đoàn trong giai đoạn 2024 – 2030.

Đối với mảng xây lắp, ngoài mỏ đá Antraco, Tracodi đang M&A một mỏ đá thứ hai tại khu vực Bình Thuận. Dự án đang trong giai đoạn cuối thực hiện hồ sơ pháp lý và dự kiến sẽ đi vào vận hành trong năm 2024. Bên cạnh đó, công ty đang tìm kiếm đầu tư mỏ khác tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đặc biệt, đại diện Tracodi cũng thông tin công ty sẽ tham gia vào mảng xây dựng nhà ở xã hội.

Tại buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch Bamboo Capital tiết lộ, tập đoàn đang trao đổi, thương thảo với loạt khu công nghiệp, khách hàng tiêu thụ điện lớn, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài nhằm chủ động đón đầu cơ hội từ Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) đối với các dự án năng lượng tái tạo.

“Cơ chế DPPA mở ra cuộc chơi mới cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo. Các khách hàng có thể vừa mua điện với mức giá cạnh tranh, vừa thực hiện được các cam kết về giảm phát thải ròng vốn đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Ví dụ, các doanh nghiệp dệt may sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất xanh của các khách hàng phương Tây thông qua sử dụng NLTT. Đồng thời, với năng lực tài chính lành mạnh, Bamboo Capital có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo mới”, ông Phạm Minh Tuấn phân tích.

Lãnh đạo Bamboo Capital cũng đề cập đến tiềm năng tham gia thị trường mua bán tín chỉ carbon với lợi thế đang vận hành hơn 500 MW điện tái tạo, cũng như khả năng tiếp cận vốn. Trong quý I/2024, Bamboo Capital đã ký thoả thuận hợp tác với SK Ecoplant (thuộc SK Group, Hàn Quốc) nhằm đảm bảo các dự án của BCG Energy sẽ có tín chỉ carbon. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm