Savills mới đây đã công bố báo cáo về hoạt động đầu tư của khu vực châu Á - Thái Bình Dương APIQ quý II. Báo cáo ghi nhận một số thương vụ đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và nhà ở tại Việt Nam.
Theo đó, Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd ( Nhật Bản ) để phát triển dự án The One World rộng 50ha tại Bình Dương.
Tiếp đó, Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) đã mua lại 25% cổ phần trong dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5ha từ Tập đoàn Nam Long (Việt Nam) với giá khoảng 26 triệu USD.
Tương tự, Tripod Technology Corporation đã mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức.
Năm 2023, thị trường bất động sản nổi thương vụ M&A lớn như: Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) được chuyển nhượng Dự án khu đô thị nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương cho Công ty TNHH Sycamore (thuộc CapitaLand) trị giá hàng trăm triệu USD. Hay thương vụ “thâu tóm” Công ty Bất động sản Tâm Lực giá trị gần 316 triệu USD, Gamuda đã chính thức sở hữu dự án đắc địa tại TP Thủ Đức, TPHCM.
Nhận định về triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản trong thời gian tới, ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills - cho rằng, những thách thức kinh tế có thể vẫn tiếp diễn trong quý III, trong bối cảnh sức mua toàn cầu yếu, căng thẳng địa chính trị và áp lực lạm phát. Tuy nhiên, nguồn vốn FDI và đầu tư cơ sở hạ tầng tích cực trong nước sẽ thúc đẩy nền kinh tế.
Ông Troy dẫn chứng, tỷ lệ giải ngân FDI trong tháng 5 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước lên 8,3 tỷ USD là một dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế. Lĩnh vực bất động sản công nghiệp sẽ chứng kiến nhu cầu ổn định, được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI và phát triển cơ sở hạ tầng.
“Điều này sẽ khuyến khích các nhà phát triển mở rộng danh mục đầu tư của họ, chẳng hạn như VSIP đang xây dựng một khu công nghiệp rộng 600ha tại Lạng Sơn và Gaw NP Industrial, đang giới thiệu gần 100.000 m2 nhà máy và nhà kho xây sẵn tại Hà Nam”, ông Troy nhấn mạnh.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản chỉ ra, trong quý II vừa qua, thị trường ghi nhận xu hướng liên kết phát triển dự án bất động sản giữa các doanh nghiệp trong nước. Nổi bật là các doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực tài chính mạnh bắt đầu gia nhập thị trường M&A , với việc “chạy đua” lên kế hoạch các quỹ đất pháp lý sạch; chào bán, kêu gọi hợp tác đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội.
Một số thương vụ có thể kể đến như “cái bắt tay” giữa địa ốc Hoàng Quân - Tập đoàn Novaland để xây nhà ở xã hội tại TPHCM và các tỉnh phía Nam; Danh Khôi và Knightsbridge Partners - đơn vị phân phối bất động sản hàng đầu tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc); Kusto Group và Coteccons…
Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, hoạt động mua bán sáp nhập các dự án bất động sản sẽ đóng góp một phần quan trọng với thị trường ở nửa cuối năm 2024.