Tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn nhiều so với kỳ vọng (3,32% - chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023 cùng với nhiều chỉ số kém khả quan khác cho thấy một bức tranh xấu đi đáng kể. Hầu như các động lực tăng trưởng đều đang suy yếu, từ xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo đến khu vực FDI, trong khi giải ngân vốn đầu tư công chưa có nhiều đột phá.
Với số liệu vĩ mô không quá khả quan trong quý I và triển vọng xấu đi của kinh tế toàn cầu, khả năng có thể hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng 6,5% là khá khó khăn. Đa phần các tổ chức dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam đạt khoảng từ 5-6%.
Bức tranh kinh tế quý I đã thấy rõ, dự báo về quý II cũng không quá khả quan, nhưng giới chuyên gia nhận định quý III sẽ là thời điểm nền kinh tế phục hồi.
Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long kỳ vọng kinh tế sẽ bớt khó khăn từ quý III nhờ hợp lực của một số chính sách.
"Đầu tư công cũng thường tăng trưởng tốt từ quý III. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang đề xuất hai phương án giảm 2% thuế VAT năm 2023", ông nói.
Đồng quan điểm, CEO WiGroup Trần Ngọc Báu cho rằng bức tranh kinh tế nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn. Ông dự báo có thể cuối quý II, đầu quý III, các chính sách, giải pháp mới bắt đầu thẩm thấu và hỗ trợ sự đi lên của nền kinh tế.
Quý III cũng là thời điểm tác động từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại dự báo phản ánh rõ rệt vào nền kinh tế. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), tổng cầu của nền kinh tế sẽ được hỗ trợ rất nhiều nhờ vào viêc khách Trung Quốc quay trở lại.
Hiện Chính phủ đã đề xuất điều chỉnh chính sách visa điện tử theo hướng nới lỏng hơn, đây là một trong những yếu tố giúp ngành du lịch tăng trưởng tốt hơn từ giữa năm nay.
Hơn 10 chính sách lớn được ban hành, hỗ trợ nền kinh tế
Quý I là quý tăng trưởng thấp nhất gần 13 năm, nhưng cũng là quý đặc biệt khi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp ban hành các chính sách hỗ trợ, đặc biệt có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Động thái nhanh nhạy này của Chính phủ được đánh giá cao trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức.
Gần nhất, hôm 14/4, Chính phủ quyết định lần thứ 5 gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm.
Ước tính tổng số tiền được hoãn, giãn nộp thuế, tiền thuê đất năm nay là hơn 112.000 tỷ đồng (năm ngoái là trên 233.000 tỷ đồng).
NHNN có nhiều dư địa để điều hành các chính sách hướng tới tăng trưởng nhiều hơn
Với thông báo giảm lãi suất điều hành đưa ra ngày 14/3 và lần thứ hai vào ngày 31/3, Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ.
Về quyết định hai lần hạ lãi suất điều hành trong cùng một tháng của NHNN, ông Hoàng Huy, chuyên viên phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) nhận định đây là bước đi táo bạo, mang lại sự hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế đang phải vật lộn với cả nhu cầu trong và ngoài nước đang suy yếu.
"Thời điểm hạ lãi suất sớm hơn dự đoán, nhưng được thúc đẩy bởi lạm phát giảm, tỷ giá hối đoái bình ổn và tín hiệu lãi suất đạt đỉnh ở các nước trong khu vực. Mức giảm cũng hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế mà không gây rủi ro lạm phát hoặc ngoại hối mất kiểm soát trong ngắn hạn.
Việc USD giảm hiện tại, và dự báo cả trong dài hạn sẽ giúp NHNN có nhiều dư địa hơn để điều hành các chính sách hướng tới tăng trưởng nhiều hơn", ông nói.
Chuyên gia của MBKE cũng dự báo NHNN sẽ cắt giảm lãi suất điều hành thêm 50 bps (điểm cơ bản) vào giữa năm 2023 và 50 bps nữa vào đầu năm 2024. Lý do vì lạm phát trong nước ở mức vừa phải và dự đoán lãi suất của Fed đạt đỉnh 5% vào tháng 5 năm nay và giảm 50 bps trong nửa cuối 2023.
"Khi kinh tế suy giảm như ở giai đoạn COVID, thì lãi suất cũng nên thấp như ở mức thời COVID. Chúng tôi đánh giá cơn ác mộng lạm phát 2008-2011 sẽ không đến với ngân hàng vì NHNN hiện đã có nhiều kinh nghiệm hơn với công cụ hạn mức tín dụng hiệu quả (áp dụng từ năm 2011), và VND hiện được củng cố nhờ tài khoản vãng lai luôn dương", chuyên gia MBKE cho hay.
Dần tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, kỳ vọng giao dịch sôi động từ cuối năm
Trong nhiều chính sách lớn được ban hành từ cuối năm ngoái đến nay, có thể thấy nổi bật trong số đó là các chính sách tập trung gỡ khó cho thị trường bất động sản.
Hôm qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng về giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu tổ công tác tập trung hoàn thành công tác kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận..., địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp như Novaland, khu đô thị sinh thái Đại Phước, khu đô thị du lịch Long Tân,... Thời gian hoàn thành trước ngày 20/4.
Trước đó đầu tháng 4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác làm việc với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của tập đoàn này.
Thị trường bất động sản hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài khó khăn trong huy động vốn, FiinRatings mới đây đề cập đến một trong những vấn đề là tỷ lệ nợ xấu trái phiếu của ngành khá cao, ở mức hơn 20%, cao thứ hai sau ngành năng lượng (hơn 63%).
Dù tỷ lệ nợ xấu trái phiếu xếp sau ngành năng lượng và con số thua khá nhiều tuy nhiên ngành bất động sản lại có quy mô trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lưu hành lớn nhất, ở mức 396.300 tỷ đồng, chiếm 33,8% tổng giá trị TPDN lưu hành.
Còn ngành năng lượng mặc dù có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu cao nhất, nhưng quy mô TPDN rất nhỏ, tập trung vào một số ít doanh nghiệp và chỉ chiếm 0,3% tổng giá trị TPDN lưu hành.
Dù bức tranh của ngành hiện tại khá u ám, nhưng điểm tích cực là sự kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ và liên lục có các đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Theo VNDirect, sau khi Nghị định 08 được ban hành ngày 5/3, hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ bắt đầu có sự cải thiện hơn khi có 9 trên tổng 11 đợt phát hành trong quý I được phát trong khoảng thời gian này và chiếm hơn 97% tổng giá trị phát hành trong quý I. Trong đó, bất động sản là nhóm có tỷ trọng phát hành TPDN cao nhất trong quý đầu năm, chiếm 85,5%.
"Hoạt động phát hành bắt đầu có sự cải thiện, chúng tôi cho rằng Nghị định 08 cho phép tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp là những yếu tố giúp hoạt động phát hành cải thiện trong khoảng thời gian này", VNDirect cho hay.
Nhận định riêng về thị trường bất động sản, theo VNDirect, một số chính sách hỗ trợ được ban hành, sự ra đời của Nghị định 08 và Nghị quyết 33 có thể giúp xoa dịu áp lực thanh khoản trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, lãi suất hạ nhiệt giúp giảm bớt áp lực chi phí tài chính. Tuy nhiên để thị trường bất động sản phục hồi thực sự cần có thêm động thái tháo gỡ pháp lý, khơi thông dòng vốn, khôi phục niềm tin người mua nhà từ các cơ quan quản lý.
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, “thị trường bất động sản ổn định và bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều phải trải qua giai đoạn có giao dịch trở lại dần dần trước khi bùng nổ.
Ở giai đoạn trước (giữa năm 2008 đến quý II/2013), thị trường mất khoảng một năm, tức vào giữa năm 2014 là thị trường bắt đầu sôi động và tăng trưởng về giá. Với bối cảnh hiện nay, tín hiệu đảo chiều có thể sẽ rơi vào quý IV/2023 hoặc muộn hơn là vào giữa năm 2024".
các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn lượng trái phiếu trị giá 29.863 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm bất động sản đứng đầu khi thực hiện mua lại 8.682 tỷ đồng, tương đương 29% tổng giá trị mua lại. Xếp sau là nhóm xây dựng với 5.454 tỷ đồng, chiếm 18%.
Hầu hết trái phiếu được mua lại sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024. VBMA cho biết, doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục thực hiện mua lại trái phiếu tương đối nhiều trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và trả lãi, gốc trái phiếu đúng hạn.