Năm nay, ban lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Dộng (MWG) đề ra kế hoạch kinh doanh thận trọng. Doanh thu hợp nhất chỉ ước tăng 1% lên 135.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 2% lên 4.200 tỷ đồng. Nếu đúng như kế hoạch, đây là năm đầu tiên doanh thu của MWG tăng trưởng chậm nhất kể từ khi công bố thông tin năm 2009.
Kế hoạch kinh doanh khiêm tốn này dựa trên đánh giá tình hình thực tế giai đoạn hiện tại và giả định sức mua có thể phục hồi tích cực từ quý III. "Công ty sẽ theo dõi diễn biến thị trường trong những tháng tới và có thể đưa ra điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tế nửa cuối năm", ban lãnh đạo MWG cho biết.
Theo kết quả sơ bộ những tháng đầu năm, sức mua điện thoại và điện máy tại hệ thống này giảm mạnh hơn dự báo. Tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra, ngay cả với nhóm khách hàng trung cao cấp. Nguyên nhân là niềm tin tiêu dùng của nhóm này bị suy giảm trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thấp cũng gặp khó khăn hơn khi tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp.
Đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, xu hướng tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu cũng diễn ra. Theo quan sát tại hệ thống MWG, người tiêu dùng đang mua các sản phẩm có cùng công dụng với mức giá thấp hơn.
Trước bối cảnh trên, "đế chế" bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài xác định duy trì doanh thu và ưu tiên bảo vệ dòng tiền là định hướng lớn năm nay. Việc thu hút và giữ khách hàng có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục gia tăng thị phần và tăng trưởng khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi trở lại. Hệ thống này sẽ đưa nhiều lựa chọn mua sắm linh hoạt, tăng giảm giá và khuyến mãi.
"Công ty sẵn sàng giảm lợi nhuận để chia sẻ những khó khăn khi khách hàng đang có tâm lý thắt chặt chi tiêu", ban lãnh đạo MWG nêu trong tờ trình phiên họp thường niên sắp tới.
Song song đó, công ty này cũng tập trung kiểm soát và giảm các hạng mục chi phí lớn như thuê mặt bằng, điện, tài chính, nhân sự và tồn kho. Biện pháp trên được cho là để đảm bảo sức chống chịu của doanh nghiệp trong giai đoạn nhiều thách thức.
Về kết quả kinh doanh của các chuỗi bán lẻ, năm nay, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh có thể ghi nhận biên lợi nhuận gộp thấp hơn giai đoạn 2021-2022 do sức mua yếu và phải triển khai nhiều khuyến mãi. Năm ngoái, chuỗi bán lẻ điện thoại, laptop và phụ kiện điện tử có 35.000 tỷ đồng doanh thu, chuỗi bán lẻ điện máy có 69.000 tỷ đồng. Cả hai góp khoảng 78% vào tổng doanh thu MWG.
Sau giai đoạn rầm rộ mở mới với mức lỗ thuế hơn 306 tỷ đồng năm ngoái, nhà thuốc An Khang sẽ tạm ngưng chiến lược này với mạng lưới 500 cửa hàng. Cùng với chuỗi bán lẻ sản phẩm mẹ và bé AVAKids, MWG chỉ giữ lại những cửa hàng có lợi nhuận dương. Năm nay, cả hai chuỗi sẽ tập trung tăng doanh thu mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí và giảm lỗ.
Bách Hóa Xanh được kỳ vọng là điểm sáng duy nhất khi ban lãnh đạo vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số, đạt điểm hòa vốn cuối năm nay. Sau tái cấu trúc, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu này đạt hơn 27.000 tỷ đồng doanh thu, góp 20% vào tổng doanh thu cho MWG.