Rất nhiều người trong chúng ta thường lựa chọn bông tăm (bông ngoáy tai) để vệ sinh tai, vì cho rằng nó êm ái và đủ an toàn. Có điều, thực tế thì không hề như vậy.
Theo một thống kê vào năm 2017, chỉ riêng tại Mỹ đã có hơn 263.000 trẻ em trong giai đoạn 1990 - 2010 phải nhập viện vì các chấn thương trong quá trình sử dụng bông ngoáy tai - tương đương 36 trường hợp mỗi ngày. Nguyên nhân chủ yếu là vì tai vốn là bộ phận nhạy cảm, nên khi đưa dị vật vào có thể gây ra nhiều nguy cơ như thủng màng nhĩ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính giác.
Tuy nhiên, mối nguy hại từ bông ngoáy tai không chỉ có như vậy đâu, và bạn sẽ hiểu điều này qua câu chuyện mới đây của một "con nghiện" ngoáy tai. Đó là Jasmine - người phụ nữ 37 tuổi đã phải trả một cái giá quá đắt vì thói quen của mình.
Thật lòng đấy, hãy bỏ bông ngoáy tai đi
Tôi đang day phần lỗ tai của mình một cách thô bạo, miệng rên rỉ với chồng: "Nó lại đến rồi."
"Nó" ở đây là một loại âm thanh chói tai đến kỳ lạ. Tai trái của tôi giờ có thính lực cực kỳ tệ, gần như điếc đặc, và âm thanh ấy đã liên tục vang lên nhiều năm nay. Lúc than thở với Bryon - chồng tôi - bên trong tai còn thêm cả chứng đau nhức nữa.
Tôi chỉ có thói quen duy nhất liên quan đến tai, đó là đêm nào cũng phải ngoáy tai ít nhất 1 lần. Mỗi lần đưa bông ngoáy vào tôi lại thấy một cảm giác khoan khoái, dù có hơi đau chút xíu.
Nhưng thính lực của tôi thì ngày càng tệ, đến mức tôi gần như chẳng thể nghe thấy các con mình nói gì nếu chúng đứng từ phía bên trái. "Nào con vừa nói gì thế?" - tôi sẽ luôn phải hỏi lại như vậy, đồng thời dí tai phải lại gần.
Jasmin và 2 con
Rốt cục, tôi đành phải đi khám. Bác sĩ cho tôi một vài toa kháng sinh chống viêm tai, nhưng mọi chuyện chẳng có gì thay đổi. Thế rồi một ngày sau khi ngoáy tai như thường lệ, tôi phát hiện ra rằng trên bông ngoáy tai có máu.
Trời ơi tai tôi đang chảy máu! Từ bên trong!
"Em đi khám lại ngay đi," - Bryon lên tiếng với vẻ lo lắng. Lần này, tôi đi khám cả thính lực nữa, và kết quả cho thấy tai trái của tôi đã điếc ở mức độ trung bình. Nhưng tại sao? Tôi mới 37 tuổi và một bên tai đã điếc?
Câu hỏi này đã khiến tôi thực sự hoảng loạn, nhưng bác sĩ không thể trả lời. Thay vào đó, ông giới thiệu tôi đến kiểm tra với một chuyên gia tai mũi họng. Và sau khi chụp cắt lớp ở đó, vị chuyên gia khiến tôi như sụp đổ.
"Đáng ra cô nên đến gặp tôi từ 4 - 5 năm trước," - vị bác sĩ cho biết. Nghe được câu này, lồng ngực tôi nặng trĩu xuống. Và ông bảo rằng phía trong tai trái của tôi đã bị nhiễm trùng trầm trọng. Vi khuẩn thì giờ đã ăn vào một phần sọ rồi.
"Cô cần phẫu thuật từ hôm qua cơ," - bác sĩ tiếp lời. Thêm một lần nữa, tôi như lả đi.
Câu chuyện xảy ra từ tháng 2/2018. Bryon và tôi khi đó dự định sẽ làm đám cưới vào tháng 4, rồi đi trăng mật vào tháng 5. Nhưng khi từ bệnh viện trở về và trình bày lại hoàn cảnh, Bryon quả quyết: "Em sẽ không bay đi đâu hết nhé!"
Lý do đơn giản thôi: tôi buộc phải phẫu thuật. Nếu không, vi khuẩn sẽ ăn thẳng vào não và tôi sẽ chết.
Chỉ là một chiếc bông ngoáy tai thôi mà!
Jasmine
Vị chuyên gia kia khi đó có việc, nên chúng tôi đã thống nhất lịch phẫu thuật sau đám cưới, còn tuần trăng mật dĩ nhiên phải dời lại. Đúng là may mắn cho cuộc đời tôi vì đã lấy được một người như Bryon: anh đã lo gần như mọi vấn đề cho đám cưới, còn tôi chỉ việc nghỉ ngơi, ra lễ đường và về một nhà với người đàn ông trong mơ của mình. Chẳng ai biết rằng đằng sau nụ cười hạnh phúc ấy, có một ổ vi khuẩn đang ở trong tai tôi, chuẩn bị ăn vào não đến nơi.
Jasmine và chồng mình
Qua tháng 4, tôi lên bàn mổ để giải quyết câu chuyện này. Bác sĩ phẫu thuật phải cắt bỏ các mô bị nhiễm trùng, đồng thời tái tạo lại phần ống tai. Ca phẫu thuật kéo dài những 5h đồng hồ. Trong lúc tôi đang mơ màng, bác sĩ cúi xuống hỏi:
"Cô đã cho cái gì vào tai thế?"
"Là bông thôi. Bông ngoáy tai."
"Cô cho sâu đến mức nào?" - bác sĩ hỏi với vẻ lo ngại.
Hóa ra, các sợi bông đã bằng cách nào đó kẹt lại trong tai, từ đó tích tụ vi khuẩn và biến tai trái của tôi trở thành một cái ổ viêm nhiễm.
"Nếu để lâu hơn nữa, cô chết chắc rồi đấy," - tôi vẫn nhớ cảm giác rùng mình khi nghe được câu này.
Theo ước tính, các sợi bông này đã kẹt lại từ 5 năm trước, và chúng gây viêm nhiễm nặng đến mức phần xương sọ ở khu vực này trở nên mỏng dẹt, cỡ 1 tờ giấy. Nếu vi khuẩn đục thành công hộp sọ và ăn vào não, quả thực là tôi sẽ khó mà sống sót.
Vậy mà bấy lâu nay, tôi đã chẳng biết cơ thể mình đang gặp nguy hiểm. Còn hậu quả thì đã thấy rồi: thính lực bên tai trái của tôi vĩnh viễn bị tổn thương. Giờ thì Bryon luôn phải đi bên phải của tôi nếu muốn trò chuyện, vì tai trái đã điếc đến mức có nổ quả pháo ở đó tôi cũng chưa chắc đã nhận ra.
"Em ngoáy quá sâu và quá thường xuyên" - chồng tôi bảo vậy
Hơn 1 năm sau ca phẫu thuật, tai trái của tôi vẫn gần như điếc đặc, còn bản thân thì tràn đầy tiếc nuối. Nếu ngày đó tôi đi khám ngay khi nghe thấy âm thanh lạ, phải chăng cái tai này sẽ được cứu? Rõ ràng, việc đến gặp bác sĩ khi thấy có bất ổn trong cơ thể là một điều cần thiết.
Còn giờ thì thật lòng đấy, mọi người nên từ bỏ thói quen ngoáy tai này đi.
Khoa học đồng tình
Theo bác sĩ Kris Jatana - chuyên gia tai mũi họng từ Bệnh viện Nhi quốc gia tại Ohio: "Bông tăm là một quan niệm sai lầm, liên quan đến việc người lớn và trẻ em vệ sinh tai tại nhà. Dù nhìn có vẻ vô hại, chúng chứa rất nhiều rủi ro."
Jatana cho biết, bản thân bông tai có thể đưa các vi khuẩn và mầm bệnh bên ngoài vào trong. Việc này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, vì não bộ liên kết rất mạnh với tai để giúp chúng ta giữ thăng bằng.
Hơn nữa trên thực tế, ráy tai không hề bẩn như bạn tưởng. Chúng được tạo thành từ keratin, các tế bào da chết, axit béo, cholesterol cùng nhiều hợp chất khác, với tác dụng bôi trơn và diệt khuẩn cho tai. Ngoài ra tai còn có cơ chế tự làm sạch thông qua các chuyển động trong cơ thể, nhằm giúp ráy tai được đẩy ra ngoài mà không cần đến bông ngoáy tai.
Ngay cả trong trường hợp ráy tai bị tích tụ quá nhiều, bạn cũng cần lựa chọn các giải pháp khác như đi bác sĩ, thay vì dùng đến bông ngoáy tai với nhiều rủi ro.
Tham khảo: IFL Science, That's Life