Lần đầu tiên có startup trong "ngành công nghiệp tỷ USD" eSport gọi vốn trên Shark Tank
Divine Corp - một startup trong lĩnh vực eSports - Thể thao điện tử - vừa có màn gọi vốn gay cấn trên Shark Tank Việt Nam tập 3.
Gọi là gay cấn bởi hai nhà sáng lập trẻ Vũ Đăng Công và Thu Đông đã có màn thương thuyết/phản biện đầy "vật lộn" khi phân nửa dàn cá mập mang nặng định kiến về chuyện giới trẻ chơi game.
"Sẽ thế nào khi chơi game không còn là giải trí mà là một công việc, một nghề nghiệp thực sự?" - cofounder Divine Corp Thu Đông mở đầu màn diễn thuyết.
Bắt đầu bằng lời đề nghị đầu tư 3 tỷ đồng cho 5% cổ phần của công ty, các nhà sáng lập Divine Corp trình bày Việt Nam hiện có lượng người chơi và người xem trên Youtube gaming và Facebook gaming lớn nhất thế giới (theo thống kê từ Appota).
Dự đoán 2019, lượng người chơi eSports tại Việt Nam sẽ đạt là 26 triệu người, cùng với đó là 16 triệu người xem livestream gaming hàng tuần. Với số lượng người chơi và người xem khổng lồ như vậy, doanh thu của ngành eSports Việt Nam trong năm 2019 dự đoán sẽ đạt 365 triệu USD.
Hệ sinh thái xoay quanh eSports của Divine Corp gồm ba mảng chính là: Cung cấp phân phối game bản quyền & các sản phẩm eSports, Đào tạo & quản lý các game thủ chuyên nghiệp, Tổ chức sự kiện & các giải đấu eSports.
"Trước đây các đội tuyển Việt Nam chỉ dám mơ ước mình sẽ có vé để tham dự các giải đấu của khu vực. Giờ đây với sự đầu tư bài bản, chúng em không những được tham dự, thậm chí còn vô địch đến 2 lần liên tiếp", Đông nói thêm.
Startup này đã "dắt túi" giải vô địch PUBG Đông Nam Á 2019, vô địch Giải đấu PlayerUnknown’s Battlegrounds PewPew Championship và giải JIB PUBG Southeast Asia Championship 2018.
Divine Corp có vốn điều lệ là 20 tỷ đồng, doanh thu năm 2018 đạt 84 tỷ đồng và lợi nhuận bán hàng thu về 11 tỷ đồng. Nguồn thu của Divine Corp đến từ phân phối game bản quyền và bán các vật phẩm liên quan đến eSports với hơn 500.000 khách hàng tại Việt Nam.
Các nhà sáng lập cũng khẳng định sẽ biến việc chơi game trở thành một nghề nghiệp thật sự nghiêm túc để giáo dục, định hướng giới trẻ chơi game văn minh và đúng cách. Đăng Công dẫn chứng chính bản thân anh dù dành nhiều thời gian cho việc chơi game nhưng vẫn đạt được thành tích cao trong học tập.
Startup trẻ vấp phải định kiến của các "cá mập già"
Cho rằng việc phân bổ quỹ thời gian học tập và chơi game của startup như vậy là bất hợp lý, Shark Đỗ Liên đưa ra ý kiến: "Bạn nói thế hoàn toàn trái ngược với đồng hồ sinh học vì cơ thể chúng ta ít nhất cũng phải ngủ đủ từ 6 – 7 tiếng. Bạn ngủ có 4 tiếng làm sao thi giỏi được, tôi nghĩ bạn chỉ may mắn thôi. Thể chất không có thì bạn không thể có tư duy tốt được".
Đồng quan điểm, Shark Hưng đưa ra quan điểm: "Từ eSports của các bạn khiến tôi liên tưởng đến trò chơi có vận động, có tính giáo dục. Tuy nhiên, cách các bạn giải thích về lĩnh vực này thì lại là vận động trí óc. Tôi phản đối vì tất cả hội chứng nghiện game đều do sự hoạt động quá độ của não gây ra".
"Tôi cực ghét chơi game, khi mà nướng thời gian trên màn hình là tôi không thích. Bất kể là ai tôi nhìn thấy là tôi khó chịu rồi"
Cả Shark Hưng và Shark Liên đều bày tỏ lo ngại vấn đề giới trẻ ngày nay "cắm đầu" vào màn hình chơi game, thậm chí có trẻ phát bệnh tự kỷ vì chơi game nhiều quá, chứng nghiện game cũng khiến nhiều gia đình rơi vào khủng hoảng.
"Có bạn đang học ĐH Bách Khoa, bạn muốn đi theo đam mê của mình và bạn ngưng việc học lại. Khoảnh khắc đó làm cho em suy nghĩ rất nhiều. Em tự hỏi mình là "Chả lẽ chúng ta chạy theo đam mê là chúng ta phải đánh đổi?" Điều này đối với em thực sự rất vô lý và không đồng tình".
"Vì vậy, sau 2 năm quản lý và đào tạo các bạn, em nghĩ khi làm một trường đào tạo esport, mình sẽ có đầu ra, đầu vào. Sẽ có 1 buổi cho các bạn tập về chuyên môn, 1 buổi rèn kỹ năng mềm, giao tiếp, học tiếng Anh, vận động thể thao...", Đông chia sẻ.
Công bổ sung thêm rằng các game thủ của Divine Corp hàng ngày phải dậy đúng giờ, luyện tập chăm chỉ và có KPI rõ ràng trong việc luyện tập.
Câu trả lời này không thuyết phục được Shark Liên, vị cá mập bà ngoại chất vấn lại startup rằng liệu có bao nhiêu người sẽ có KPI luyện tập như Công nói. Startup trẻ cho rằng đấy là định hướng họ muốn xây dựng và đang nỗ lực thay đổi dần.
Trả lời Shark Hưng về việc cấp phép thi đấu, Công cho biết bộ môn này được cấp phép và hiện nay ở Việt Nam, eSport đã bắt đầu được quan tâm.
Shark Liên chất vấn: "Ai cấp phép?"
"Đã có hội thể thao điện tử và cũng có đội tuyển để đi thi đấu quốc tế rồi".
"Tôi cực ghét chơi game, khi mà nướng thời gian trên màn hình là tôi không thích. Bất kể là ai tôi nhìn thấy là tôi khó chịu rồi".
"Ngay từ đầu tôi rất dị ứng với chơi game. Đây là một cái không nằm trong định hướng của tôi. Với chủ đề về game tôi thực sự không hứng thú và không thích, vì thế tôi không đầu tư", Shark Liên nói.
Shark Hưng cũng từ chối đầu tư với cùng lý do trên.
Startup này cũng không nhận được cái gật đầu từ Shark Việt và Shark Thuỷ.
Với Shark Dzung Nguyễn - một vị shark chơi game và hiểu được về ngành eSport, ông bày tỏ mình có góc nhìn khác với Shark Liên và Shark Hưng. Ông cho rằng cách định hướng, tuyên truyền về chơi game văn minh là tốt.
Tuy nhiên, trong câu chuyện kinh doanh, doanh thu năm 2018 của Divine Corp là 84 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là mảng phân phối game. Việc phân phối game của startup này lại không phải là "chính ngạch", mà là mua sỉ serial keys về bán lại. Hiện thị trường eSport của Việt Nam đã có 3 ông lớn, mà Shark Dzung không thấy ở Divine Corp có lợi thế cạnh tranh, kết quả kinh doanh lại thấp, nên ông không đầu tư.
Chia sẻ cuối chương trình, Công thổ lộ: "Bọn mình muốn mang một phần nào đó góc nhìn khác cho mọi người thay đổi, thêm một góc nhìn khác về game. Nó không chỉ có góc độ độc hại mà nó còn mang một giá trị khác cho xã hội".