Không ít doanh nghiệp xã hội đã từng gọi vốn trên sóng Shark Tank Việt Nam nhưng Revival Waste là trường hợp đầu tiên nhận về cái kết có hậu.
Mở đầu phần gọi vốn của mình, founder Huỳnh Hữu Hải Bình của Revival Waste nêu ra một thực trạng cấp thiết nhưng lại rất kỳ lạ hiện nay: Mỗi năm Việt Nam phát ra môi trường 20 triệu tấn rác thải, thậm chí Việt Nam còn đứng thứ 4 về khối lượng rác thải ra ngoài biển. Trong khi đó, 80% nhà máy tái chế trong nước lại đang phải nhập khẩu rác thải để sản xuất.
Nguyên nhân được founder Hải Bình đưa ra là do chỉ có 10% lượng rác thải kể trên được thu hồi và tái chế, 90% còn lại đi vào bãi chôn lấp hoặc nằm đâu đó trong môi trường tự nhiên.
"Phần lớn người dân nghĩ thứ nào bán ve chai được thì tái chế được, không bán được sẽ cho vào hết rác thải sinh hoạt. Đó là 1 thực tế tồn tại suốt 20 năm nay. Chúng tôi gọi đó là rác thải chết".
Để giải quyết vấn đề này, Revival Waste ra đời với mục tiêu thiết lập một nền tảng kết nối các nguồn phát thải, chính quyền, nhãn hàng,...với nhau. Thay vì đi qua các khâu trung gian, các điểm thu gom phế liệu, rác thải sẽ được phân loại tại nguồn và đi thẳng đến nhà máy tái chế.
Với cơ hội xuất hiện trên sóng Shark Tank Việt Nam, founder Hải Bình mong muốn kêu gọi 1 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần.
Tính từ thời điểm thành lập vào tháng 11/2018 đến giai đoạn ghi hình, Revival Waste đã triển khai tại 18 quận huyện khu vực TPHCM, mở rộng ra 9 tỉnh thành và thu hồi về hơn 2 triệu vỏ hộp sữa, hơn 100.000 ly nhựa, hơn 2 triệu ống hút nhựa,…Doanh thu đến từ tiền bán rác, tiền chi phí tư vấn giải pháp phân loại tái chế cho các khu văn phòng, chung cư, cũng như thu phí các doanh nghiệp tham gia trong quy trình này.
Tuy nhiên, theo tiết lộ, Revival Waste mới ghi nhận doanh số 125 triệu đồng và đang lỗ khoảng 700 triệu. Khoản lỗ rơi vào các chi phí cố định như: Lương nhân sự, văn phòng, tiền công tác phí khi đi làm việc với các bên,...
4/5 cá mập lắc đầu, chỉ duy nhất Shark Liên đi ngược chiều gió
Mặc dù mô hình có ý nghĩa cao với cộng đồng nhưng Shark Dũng nhanh chóng rút lui vì đây không phải lĩnh vực anh có thể đóng góp thêm giá trị. Trong khi đó, Shark Thuỷ, người đang nắm trong tay một chuỗi F&B và cũng khá trăn trở với câu chuyện rác thải , lại cho rằng hai bên nên là đối tác của nhau hơn là vấn đề đầu tư.
Với kiến thức về các mô hình tương tự ở nước ngoài, Shark Hưng nhận định để có được mô hình ở Việt Nam trong khi lực lượng con người hay tiền bạc hạn chế, khả năng mở rộng sẽ khó khăn cho startup. Phó chủ tịch Cengroup đánh giá cao cách tiếp cân của founder, nhưng không đánh giá cao phương án xử lý, vì vậy anh tuyên bố không đầu tư.
Giống như Shark Hưng, Shark Việt cũng cho rằng hướng đi của Revival Waste đang sai lầm. Chủ tịch Intracom chỉ ra các công ty xử lý rác của nhà nước hiện nay đều đang thua lỗ. Ngay bản thân ông, dù đã nghiên cứu vấn đề xử lý rác và mong muốn xây dựng một quy trình xử lý mẫu mực nhưng vẫn không làm được.
"Anh từng học xã hội nhân văn, ngòi bút sẽ sắc sảo lắm. Thay vì đầu tư vào công ty, hãy đầu tư vào các bài viết, vận động hành lang luật pháp để tạo ra cơ chế cho nhà đầu tư bỏ vốn vào. Khi ấy rác có ngoài biển 10km cũng có người bơi ra nhặt về".
"Có thể anh đang chọn sai cách làm. 1 tỷ không giải quyết vấn đề gì. Nếu đi cùng anh mà anh chọn sai con đường thì tôi cũng sai con đường theo anh. Tôi thà không đầu tư còn hơn nhưng tôi vẫn chúc anh thành công", Shark Việt thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Trái với quan điểm của cả 4 Shark kể trên, Shark Đỗ Liên, cũng là chủ tịch một quỹ môi trường xanh tại Việt Nam, lại ủng hộ hướng đi vì cộng đồng của Revival Waste.
"Muốn xử lý triệt để phải đánh vào ý thức từng người dân. Khi chúng ta vứt rác ra khỏi nhà thì trước hết phải biết phân loại ngay từ trong nhà đã. Tôi muốn bạn là người lan tỏa điều đó, đặc biệt để cho các thế hệ trẻ biết gìn giữ môi trường".
Shark Liên đưa ra mức đầu tư 1 tỷ đồng đổi lấy 50% cổ phần.
Sau ít phút thảo luận ở hậu trường với một thành viên khác trong dự án, founder Hải Bình đề xuất được giữ lại 51%, còn Shark nắm 49%. Vì xác định chỉ là bà đỡ, còn founder mới là người dẫn dắt, điều hành công ty, cá mập bà ngoại của Shark Tank lập tức đồng ý với đề xuất này. Thương vụ chính thức khép lại.