Mỗi một tháng lương 10 triệu, nhưng phải dùng nước thần SKII, son phấn, quần áo cũng phải là hàng hiệu, rồi luôn tự nhủ với mình rằng: con gái phải đối xử tốt với bản thân một chút, có vậy thì sau này mới đáng để được nâng niu.
Đằng trai cũng không kém cạnh, dù tiền 1 tháng không đủ tiêu nhưng vẫn phải đi giày AJ, áo phông thì phải là Supreme, nhất thời nổi hứng tập gym liền đi làm luôn thẻ tập 1 năm rồi tự an ủi mình: vì sức khỏe, nhưng lại kiên trì chưa tới 1 tháng liền từ bỏ.
Thực ra, có những thứ bạn muốn, nhưng lại hoàn toàn không có nghĩa là thứ bạn thực sự cần.
Thứ bạn muốn luôn có rất nhiều nhưng lại không ý thức được rằng kiểu theo đuổi vật chất mà không để ý tới tình hình thực tế và năng lực kinh tế này đang dần dần hủy hoại bạn, nó không chỉ khiến bạn mệt mỏi về tinh thần mà còn làm túi quần bạn ngày càng rỗng, gánh nặng càng ngày càng lớn, bởi lẽ, bạn căn bản là không tiết kiệm được tiền .
Vậy thì, những người trẻ đang theo đuổi một cuộc sống "sang chảnh" nên làm sao để tiết kiệm tiền?
01
Tôn trọng tiền bạc: Đây là tiền đề nếu muốn giàu có
Những người luôn tiêu tiền mà không có tính toán, thích vung là vung là những người không tôn trọng tiền bạc.
Trên mạng có một câu hỏi như sau: Vì sao rất nhiều người luôn cảm thấy thách thức trên con đường làm giàu?
Tác giả của cuốn "Tự do tài chính" có viết trong cuốn sách rằng:
"Rất nhiều người "nghiện so sánh xã hội", người khác có gì mình cũng phải có, không có được thì không can tâm, đố kị, đồng thời nghĩ cách để có cho bằng được.
"Nhiều người không thể đối mặt với thực tế của mình. Họ không thể hiểu rõ và đánh giá về tình hình tài chính của mình, hoặc họ không thể ngừng mong muốn tiêu tiền ngay cả khi đánh giá rõ ràng.
Nhiều người tin rằng sự "tiêu dùng nhỏ giọt" sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng, họ không đếm tiền, họ không tính toán chi ly, họ tiêu tiền ở đây, rồi tiêu tiền ở kia. Kết quả là không còn xu nào vào cuối tháng."
Muốn giàu có, thì nhất định phải có năng lực quản lý tiền bạc.
Bạn không cần phải so sánh mình với ai khác, thay vào đó cần có một thái độ "lạnh nhạt" với vật chất
Bạn cũng đừng nên trốn tránh hiện thực, sau khi đã hiểu rõ tình hình kinh tế của mình rồi, cái cần tiết kiệm hãy tiết kiệm, cần phải đảm bảo có cho mình một lượng tiền ổn định mỗi tháng.
Chân của ruồi thì cũng là thịt, tiền nhỏ sau này rồi sẽ thành tiền lớn, phải tập có cho mình ý thức về nguy cơ trong sự an nhàn.
Tóm lại, hãy có trách nhiệm với tiền bạc của chính mình!
02
Muốn tích góp được, phải học được cách lạnh lùng
Trong tích lũy tài chính, lạnh nhạt là một loại thái độ.
Lạnh nhạt ra sao? Đó là đừng quan tâm người khác đi xe gì, ăn mặc ra sao, nghỉ dưỡng ở đâu, ăn ở nhà hàng đắt tiền nào, dùng điện thoại gì....
Những người cho thấy thái độ lạnh nhạt với tất cả các loại tiêu dùng của xã hội đều là những người có cơ hội tích lũy tiền bạc lớn hơn.
Tác giả người Nhật Arikawa Mayumi từng kể một câu chuyện như sau:
Lúc đi du lịch, cô ấy thích một chiếc áo trong cửa hàng miễn thuế, chiếc áo này rất khác so với phong cách hàng ngày của cô, nhưng thiết kế lại rất bắt mắt, cô ấy thử lên, cảm thấy rất đẹp, rất hợp với mình.
Nhưng khi bình tĩnh lại, cô ấy lại nghĩ:
Mình cần nó hay mình thích nó?
Nếu chỉ là thích, vậy 1 tháng sau mình có còn thích nó nữa không?
Sau khi suy nghĩ, cô ấy quyết định không mua chiếc áo đó nữa.
Bởi cô đã quá hiểu tính mình, kiểu phong cách này chỉ thu hút cô nhất thời, cảm giác mới mẻ và thích thú sẽ không quá 1 tháng.
Theo các tiêu chuẩn đáng tin cậy, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng sự thờ ơ với những thay đổi xung quanh không liên quan gì đến tuổi tác và thu nhập của một người mà liên quan đến tài sản ròng của người đó. Các nhóm dành thời gian tập trung vào tiêu dùng của người khác, đồng thời luôn chăm chăm vào các mặt hàng tiêu dùng mới nhất và xịn xò hàng đầu (như thiết bị điện tử và trang sức) đều không có khả năng tích lũy của cải.
03
Mỗi tháng một số tiền mặt ổn định, bất cứ khi nào cũng đều phải học cách tiết kiệm
Lạnh nhạt là một kiểu thái độ, tiết kiệm là một kiểu hành vi.
Một doanh nghiệp muốn phát triển, mỗi tháng bắt buộc phải có một dòng tiền ổn định. Đối với cá nhân mà nói, nếu muốn phát triển, cũng cần phải có một số tiền ổn định tương tự như vậy.
Nhà khởi nghiệp truyền thông trẻ Zhang Zuoluo từng nói: Tôi rất thích tiết kiệm, tất cả sức mạnh của tôi đều đến từ việc tiết kiệm tiền.
Vài năm trước, Zhang Zuoluo đến Bắc Kinh học đại học, năm 2014 là năm thứ 4, để ở lại Bắc Kinh, anh đã bắt đầu tiết kiệm tiền từ kì 2 của năm cuối, anh làm rất nhiều công việc từ nhân viên phục vụ, bán hàng rong, nuôi cá... dù trong tay có 30.000 tệ thì cũng chỉ ở trong 1 tầng hầm thuê với giá 600 tệ, mùa hè mua dưa hấu cũng chỉ mua ¼ quả.
Sau này, khi làm việc trong ngành truyền thông, một tháng có thể kiếm được hơn 20.000 tệ, càng kiếm được nhiều, càng tiết kiệm hơn. Mỗi tháng chỉ thuê phòng giá 1000 tệ, quần áo cũng chỉ mặc loại mấy trăm tệ, rất ít khi đi ăn nhà hàng, mỗi tháng tiết kiệm được hơn 10.000 tệ.
Năm 2016 bắt đầu có lương từ công việc tay trái, mùa xuân 2017, anh tiết kiệm được khoảng 300.000, khi đó, anh mới chỉ tốt nghiệp được 2 năm rưỡi.
Mọi sự giàu có trên đời đều là tích tiểu thành đại, chứ không phải phất lên sau một đêm.
Nếu bạn cứ tiêu tiền lung tung và không xem xét tác động của tiêu dùng tại thời điểm này đối với tự do trong tương lai, thì bạn chỉ cho thấy mình là một người nông cạn mà thôi.
Có tiền tiết kiệm sẽ không bao giờ cảm thấy hoang mang, mỗi bước đi của bạn đều sẽ ổn định hơn người khác, mỗi một sự lựa chọn của bạn cũng sẽ không bị giới hạn bởi vấn đề kinh tế.
04
Tận hưởng sự "an cư" cũng không quên học cách "lo xa"
L. là một viên chức ngân hàng, không chỉ xinh đẹp, dịu dàng mà cô còn được nhiều bạn bè cùng tuổi ngưỡng mộ vì công việc và mức lương ổn định đáng mơ ước.
Nhưng cô ấy không vì vậy mà thỏa mãn, cô ấy rất thích đọc sách, viết lách, mỗi ngày đều dậy lúc 4h sáng để đọc sách, sau khi tan làm sẽ đi tham gia lớp học dạy viết lách để tôi luyện kỹ năng viết, đồng thời cũng viết một vài bài gửi cho các tờ báo, cứ vậy cô bắt đầu có thu nhập từ công việc tay trái này, đồng thời còn trở thành một cây viết khá có tiếng trong giới.
Cô nói rằng ở cái thời đại đầy rẫy những biến động này, luôn cần phải có một "món nghề" tay trái, và cách tốt nhất chính là phát triển trên lĩnh vực mà mình yêu thích.
Mấy tháng sau, bộ phận của cô ấy tiến hành cải cách, phải sa thải một vài ngưòi, trong đó có cả L.
Khi những nhân viên khác lo lắng thì L lại rất điềm tĩnh, cô ấy ngược lại còn cảm thấy đây là một cơ hội cho bản thân.
Ở cái thời đại không ổn định này, cái gọi là "bát cơm sắt" đã không còn là bát sắt nữa, trên con đường kiếm cơm cần phải chủ động tạo ra cho mình nhiều khả năng hơn nữa.
Có những người dùng mặt nạ 300 nghìn nhưng lại chỉ dám ăn một bữa một ngày.
Có những người dù đã kiếm được tiền vẫn ngửa tay ra xin tiền ba mẹ mua này nọ.
Có những người không tiếc nửa tháng lương đi ăn ở một nhà hành cao cấp chỉ để chụp một bức ảnh tự sướng đăng lên facebook....
Đừng để mình sống vì sĩ diện, đừng để cái gọi là sang chảnh chi phối bản thân. Hãy học cách quản lý tiền bạc ngay từ bây giờ để khi bạn gặp phải những "bất ngờ" trong cuộc sống, bạn sẽ không bị đánh bại hay giới hạn bởi chúng.