Gã khổng lồ Tencent Holdings của Trung Quốc đã lặng lẽ leo lên vị trí dẫn đầu thị trường game bằng cách thực hiện hơn 180 khoản đầu tư nhỏ hơn nhưng mang tính chiến lược, vượt qua những gã khổng lồ trong ngành như Sony và Microsoft, mặc dù các công ty này đã gây chú ý với những thương vụ mua lại rầm rộ.
Tờ Asia Nikkei dẫn nguồn từ nghiên cứu Newzoo của Hà Lan cho thấy gã khổng lồ ngành công nghệ Trung Quốc dẫn đầu thị trường game về doanh thu liên quan đến mảng game vào năm ngoái, đạt 32,2 tỷ USD, vượt xa Sony (18,2 tỷ USD) và Apple (15,3 tỷ USD). Sự dẫn đầu này phần lớn nhờ vào danh mục đầu tư rộng lớn của Tencent, bao gồm cả các công ty ở Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc.
Tầm hoạt động của Tencent được minh họa bằng một dòng tweet vào cuối tháng 5 từ Daniel Ahmad, nhà phân tích cấp cao tại Niko Partners. “Các trò chơi mới từ các studio do Tencent hậu thuẫn đã thống trị bảng xếp hạng những trò chơi bán chạy nhất trên Steam trong tuần”, ông Ahmad nhấn mạnh.
Đứng thứ 4 trong danh sách là tựa game Elden Ring, một trò chơi nhập vai hành động của Nhật Bản được phát hành vào tháng 2 đã bán được 13,4 triệu bản trên toàn thế giới chỉ trong hơn một tháng. Tencent đã mua lại công ty mẹ của nhà phát triển FromSoftware, Kadokawa, vào năm ngoái. FromSoftware chính là cái tên đứng sau sự thành công của loạt game Dark Souls cũng như tựa game Elden Ring đình đám vừa rồi.
Tencent đã cẩn thận sắp xếp một danh sách các đối tác ngành game toàn cầu song song với việc hạn chế tối đa những ảnh hưởng từ Trung Quốc có thể khiến người chơi quan ngại. Dữ liệu từ ITjuzi do Nikkei tổng hợp cho thấy 40% các giao dịch đầu tư của Tencent trong nửa đầu năm 2022 là bên ngoài Trung Quốc, một bước nhảy vọt so với tỷ lệ 18% của cả năm 2021.
Danh mục đầu tư của Tencent bao gồm nhiều tên tuổi lớn như Riot Games, đơn vị sáng tạo ra bộ môn thể thao điện tử Liên minh huyền thoại; Supercell, một nhà phát triển trò chơi di động Phần Lan từng thuộc sở hữu của Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản; Epic Games, công ty đứng sau tựa game nổi tiếng Fortnite và Krafton của Hàn Quốc, nổi tiếng với tựa game PlayerUnknown's Battlegrounds.
Chủ tịch Takayuki Kikuchi của Wake Up Interactive, một công ty có trụ sở tại Tokyo được Tencent mua lại năm ngoái cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng sự hợp tác với Tencent sẽ rút ngắn đáng kể thời gian cần thiết để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp”.
Tencent vẫn phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là môi trường pháp lý tại quê nhà. Chính quyền Trung Quốc đã siết chặt quy định với nhiều lĩnh vực, trong đó có cả ngành game. Rất nhiều quy định đã được ban hành, chẳng hạn như hạn chế giờ chơi đối với trẻ em, ngưng cấp phép cho các tựa game mới trong thời gian dài,…
Chính Tencent cũng phải hứng chịu những khó khăn này tại quê nhà bởi trong thời gian gần đây, không có tựa game mới nào của công ty được các cơ quan chức năng “bật đèn xanh”.
Tencent đẩy mạnh phát triển ở thị trường quốc tế
Các thay đổi đang diễn ra trên thị trường toàn cầu, khi các công ty game lớn thực hiện các vụ mua lại rầm rộ nhằm hướng tới xu hướng metaverse đang phát triển. Vào tháng 1, Microsoft cho biết họ sẽ mua Activision Blizzard, công ty đứng sau các tựa game đình đám như Call of Duty và Diablo, với giá 68,7 tỷ USD. Ngay sau đó, Sony cũng thông báo sẽ mua lại nhà phát triển Destiny Bungie trị giá 3,7 tỷ USD.
Thị trường nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Tencent. Tháng 6, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho biết có kế hoạch phát hành bản quốc tế của tựa game Honor of Kings, “cỗ máy in tiền” chính của Tencent trong nửa đầu năm nay.
Mảng dịch vụ giá trị gia tăng của Tencent, bao gồm game, là mảng kinh doanh có lợi nhuận cao nhất của công ty, đạt tỷ suất lợi nhuận gộp 52% vào năm 2021. Các hoạt động fintech và dịch vụ đám mây của Tencent vẫn đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu, trong khi quảng cáo trực tuyến đang trải qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch khiến khách hàng cẩn trọng hơn trong việc chi tiêu.
Trước đây, khi thực hiện đầu tư bên ngoài Trung Quốc, Tencent đã tránh cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng lớn cho người dùng, vì vậy công ty không cần phải vội vàng mở rộng ra nước ngoài khi hoạt động kinh doanh trong nước còn vững chắc.
Dù vậy, lý thuyết này dường như đang thay đổi trong thời gian gần đây. Việc chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định, tăng cường quản lý với các công ty công nghệ lớn, khiến Tencent và nhiều công ty khác, trong đó có đối thủ Alibaba Group Holding, phải vật lộn để phục hồi. Chính việc này đã khiến sự quan trọng của các thị trường quốc tế được nâng lên một tầm cao mới với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.