Bất động sản

Hậu mua nhà trả góp 0%: Khóc ròng vì mức lãi suất thả nổi trên trời

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trong chương trình diễn đàn về bất động sản mới đây, một khán giả tên Tùng chia sẻ câu chuyện nhiều người bạn anh sau khi mua nhà trả góp ngân hàng, niềm vui về nhà mới “ngắn chẳng tày gang” nay đã phải tính chuyện bán nhà vì không có khả năng để tiếp tục trả khoản vay mua nhà, thậm chí lãi suất thả nổi của các khoản vay này theo anh chia sẻ lên tới 12%. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống hàng ngày.

“Liệu Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng chính sách trần lãi suất cho khoản vay mua nhà được hay không?”, anh Hoàng đưa ra câu hỏi với các chuyên gia.

Hậu mua nhà trả góp 0%: Khóc ròng vì mức lãi suất thả nổi trên trời - 1

Nhiều gia đình trẻ tỏ ra hoang mang trước mức lãi suất thả nổi từ khoản vay mua nhà 

Tương tự câu chuyện anh Hoàng chia sẻ, khá nhiều gia đình trẻ cũng đang tỏ ra hoang mang và chưa biết xoay sở cách nào vì không lường trước mức lãi suất hiện tại lại cao tới mức đó.

Chị Thu Thủy (Tp. HCM) cho biết, 3 năm trước, em gái chị có mua căn hộ trả góp lãi suất 0% tại một dự án có tiếng ở quận 9, TP HCM. "Khi nhận nhà mới phấn khởi lắm, tuy nhiên nơi ở cách nơi làm việc gần 20 km. Oải quá, sau hơn 1 năm ở, muốn bán mà không bán được. Hiện lãi suất ngân hàng đã hết thời gian hỗ trợ và tăng theo thị trường, hàng tháng vẫn đang méo mặt cày trả lãi ngân hàng” – chị Thủy chia sẻ.

Bình luận về chủ đề này trên các diễn đàn đầu tư bất động sản, một số tài khoản cho rằng: “Không có bữa trưa nào là miễn phí các bác nhỉ. Đa số không để ý về lãi suất thả nổi mà chỉ để ý lãi suất cơ bản”.

““Cuộc chơi” dự án chưa bao giờ là dễ thở, kể cả thị trường tốt cũng vẫn mắc cạn chứ không chỉ lúc này. Cắt lỗ nhanh còn kịp giờ nước mới tới chân, để lâu nước lên nữa bơi không nổi thì gặp hạn”.

“Sóng gió mới chỉ bắt đầu thôi. Lãi vay phải trả sẽ bằng lãi suất cơ bản + biên độ 3,5-4,4%/ năm. Lãi suất cơ bản mà lên 10% năm thì xác định là lãi vay khoảng 15% /năm”...

Hậu mua nhà trả góp 0%: Khóc ròng vì mức lãi suất thả nổi trên trời - 3

Sau một thời gian nhận nhà, nhiều người tá hóa nhận ra lãi suất 0% là những “cạm bẫy” về lãi suất

Thực tế, các chương trình vay mua nhà với lãi suất 0% được nhiều chủ đầu tư dự án liên kết với các ngân hàng áp dụng trong vài năm trở lại đây. 

Có thể hiểu vay mua nhà với lãi suất 0% là hình thức tín dụng thanh toán trả góp không lãi suất, thường là từ thời điểm đặt cọc cho tới thời điểm nhận nhà (có thể từ 12-24 tháng tùy theo chính sách của từng chủ đầu tư dự án và ngân hàng cho vay vốn liên kết). Sau thời gian đó, người vay phải trả lãi suất vay như khoản vay thông thường.

Phần hỗ trợ lãi suất ngân hàng được các chủ đầu tư bất động sản chi trả thay cho khách hàng với ngân hàng. 

Trong khoảng thời gian được vay với mức lãi suất 0%, người mua nhà có thể xem là khá được lợi. Ví dụ với một căn hộ chung cư có giá tầm 2 tỷ đồng, nếu khách hàng vay tối đa tới 70% giá trị căn hộ (khoảng 1,4 tỷ đồng) mà được vay lãi suất 0% trong khoảng 15 tháng thì sẽ bớt được khoảng hơn 210 triệu đồng tiền lãi ngân hàng (nếu tính lãi cho vay thông thường khoảng 10%/năm). Ngoài ra, chính sách này cũng giúp khách hàng giảm thiểu rủi ro của việc phải gánh lãi ngân hàng khi chưa có nhà ở.

Tuy nhiên, thực tế, đây là những “cạm bẫy” về lãi suất. Đầu tiên, các dự án quảng cáo mức lãi suất 0% có thể lên tới 18-24 tháng, nhưng nhiều dự án chỉ hoàn thiện trong nửa thời gian thi công dự kiến, nên thực tế, khách hàng chỉ được hưởng mức lãi suất 0% trong khoảng thời gian rất ngắn. Thứ hai, sau thời gian được hỗ trợ vay với lãi suất 0%, lãi suất sẽ về mức thả nổi theo quy định của ngân hàng. Trong khi đó, biên độ thả nổi này thường được nhân viên tư vấn miệng, đến khi ký hợp đồng xong, khách hàng mới biết mức lãi suất không giống như nhân viên tư vấn hoặc không thể hiện rõ trong hợp đồng. Lãi suất thả nổi này sẽ được áp dụng theo công thức: lãi suất cơ sở cộng với biên độ. 

Chia sẻ về việc này, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên phó viện trưởng viện chiến lược Ngân hàng nhà nước cho rằng, thực ra đây là thuận mua vừa bán giữa người mua nhà và Ngân hàng thương mại (NHTM).

“Tôi cũng nói luôn là NHTM cũng là đơn vị kinh doanh, người ta phải thả nổi lãi suất để hạn chế rủi ro lãi suất. Khi lãi suất lên, đầu vào tiền gửi lãi suất cao thì người ta phải cho vay giá cao. NHTM sẽ căn cứ vào lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với một mức biên nhất định. Ngân hàng Nhà nước không bao giờ khống chế trần lãi suất đấy cả. Lãi suất dựa trên cơ sở thoả thuận theo điều 91 Luật các TCTD”, ông Hòe phân tích. 

Góp ý thêm về chủ đề này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho biết, mỗi ngân hàng quy định mức lãi suất cơ sở khác nhau, có ngân hàng quy định lãi suất cơ sở là tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hoặc tính bình quân lãi suất của bốn ngân hàng lớn thuộc khối nhà nước rồi cộng thêm biên độ 3,5-4,5%. Mức biên độ thả nổi này thường rất cao. Mức lãi suất theo công thức này được điều chỉnh theo từng thời kỳ, tức lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng. Chính vì vậy, không ít người khi vay, thời gian đầu rất hào hứng vì lãi suất hấp dẫn, nhưng theo thời gian, tiền gốc không giảm, tiền lãi cứ tăng, người vay rơi vào bẫy lãi suất cao và mất khả năng chi trả.

“Việc các chủ dự án áp dụng mức lãi suất 0% nhằm giúp kích cầu người mua nhà. Người mua nhà sẽ không phải chịu áp lực tài chính cho đến khi bàn giao nhà. Nhưng, với một số dự án, đây chỉ là chiêu quảng cáo để lấy lòng tin khách hàng, nhằm huy động vốn đầu tư xây dựng ban đầu” - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói thêm. 

Đưa ra lời khuyên với trường hợp những người đang có ý định mua nhà, ông Phạm Xuân Hoè cho rằng, mọi người cần tính toán bài toán tài chính cá nhân, tìm hiểu đầy đủ thông tin từ phía ngân hàng. Nếu mức lãi suất thả nổi cao quá không lường trước được thì có 2 cách. Một là tăng vốn tự có của mình lên, giảm mức đi vay từ ngân hàng. Thứ hai là chưa nên vay, có thể chọn phương án đi thuê nhà nếu hợp lý hơn. Mấu chốt là mỗi người phải giải bài toán cá nhân của mình vì sẽ không có chính sách trần lãi suất cho vay mua nhà đối với NHTM.

Chia sẻ
Theo Hồng Hương (Arttimes)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm