Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Định giá VN-Index ở mức hấp dẫn hiếm có trong lịch sử

Theo số liệu từ tổng cục thống kê, lạm phát tại nhiều nước trong tháng 5 năm 2022 đạt mức kỷ lục. Các nước khu vực đồng Euro chỉ số lạm phát tăng 8,1%. Tại Châu Á lạm phát Thái Lan tăng 7,1%, Hàn Quốc tăng 5,4%. Đặc biệt, lạm phát tại Mỹ tính đến tháng 7 năm 2022 đã tăng cao chưa từng có, lên đến 9,1%. Với nỗ lực kiềm chế lạm phát, Fed đã 2 lần tăng lãi suất với tổng mức tăng 75 điểm cơ bản và sẽ dự kiến còn tăng từ nay đến cuối năm.

Trước tình hình đó, Việt Nam được đánh giá tăng trưởng tốt, với mức lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2022 trong tầm kiểm soát 2,44%. Nhiều ý kiến băn khoăn liệu sức ép lạm phát và lãi suất sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF). (Ảnh chụp màn hình).

Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF), lạm phát cũng đã duy trì ở mức cao trong một thời gian khá dài, nên nhu cầu cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống và gần đây các nhà đầu tư cũng lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng. Chính vì thế nhu cầu mới có xu hướng giảm, ví dụ Bloomberg Commodity Index phản ánh giá cả của 20 loại hàng hóa cơ bản nhất từ giữa tháng 6 đến nay đã giảm khoảng 15% so với mức đỉnh.

"Giá xăng dầu ở Mỹ cũng giảm khoảng 10%, kết hợp các yếu tố đó lạm phát có thể đã bắt đầu lập đỉnh và giảm từ tháng 7 tới. Tuy vậy cũng cần phải cẩn trọng với giá xăng dầu, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào ảnh hưởng của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Tôi nghĩ mùa đông sắp tới sẽ là một dấu hỏi rất lớn".

Còn theo ông Võ Đình Trí, Giảng viên trường IPAG Business School Paris, Pháp, kể từ giữa tháng 5 trở đi giá của các mặt hàng năng lượng đã bắt đầu có xu hướng giảm lại, có lúc dưới 100 USD/thùng.

Nhiều nhà phân tích cũng không nghĩ rằng giá dầu sẽ còn tăng cao hơn nữa bởi ở mức giá dầu như hiện tại các công ty sản xuất khai thác dầu cũng đã có biên lợi nhuận khá tốt, và một lý do nữa về lo ngại suy thoái kinh tế có thể xảy ra, cho nên nhu cầu về dầu trên thế giới sẽ tiếp tục giảm, góp phần khiến lạm phát giảm.

Nhận định về diễn biến thị trường giai đoạn tới đây, ông Trí cho rằng về bối cảnh vĩ mô quốc tế, từ giờ cho đến cuối năm Fed sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình tăng lãi suất lên mức 3 – 4% để kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó rủi ro về suy thoái cũng cao nhưng sẽ không xảy ra bởi lúc này một trợ lực rất lớn của nền kinh tế là hệ thống ngân hàng của thế giới, của các nước vẫn đang đứng rất vững. Có thể có một đợt được gọi là “hạ cánh mềm”, kịch bản có thể sẽ xảy ra với Mỹ và các thị trường lớn, các nước phát triển.

Riêng đối với Việt Nam các vấn đề về vĩ mô và đặc thù của Việt Nam vẫn ổn định hơn các nước khác đặc biệt ở khả năng kiểm soát lạm phát cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên có thể sẽ có rủi ro rằng qua đến năm 2023, Việt Nam mới trải qua một độ trễ khi tăng trưởng của các nước trên thế giới giảm nhiều, lúc đó bắt đầu sẽ lây qua đến Việt Nam.

Theo đánh giá của bà Nga, hiện P/E của VN-Index đang ở khoảng 12,7 – 12,8 lần. Nếu nhìn lại về lịch sử, mức thấp hơn 12,7 – 12,8 này chỉ xảy ra 4 lần thôi, và trong 4 lần đều trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 2 – 3 quý và đây sẽ là những cơ hội rất tốt cho nhà đầu tư tham gia thị trường.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm