Kể từ tháng 3 năm 2022, thị trường đã liên tục chứng kiến các đợt giảm điểm mạnh, và kể từ thời điểm đó giá trị danh mục của nhiều nhà đầu tư cũng đã mất đến 40 – 50% thậm chí là 70%. Tuy nhiên vẫn có những nhà đầu tư hay các tổ chức vượt qua giai đoạn này một cách ngoạn mục, giá trị danh mục gần như không đổi.
Hiện sức ép lạm phát cùng chính sách thắt chặt tiền tệ ở các nước vẫn đang gia tăng. Trong Talk show “Phố Tài chính”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF) và ông Võ Đình Trí, Giảng viên trường IPAG Business School Paris, Pháp đã chia sẻ với các nhà đầu tư về cách thức sống khỏe ở trong thời kỳ này.
Ông Võ Đình Trí, Giảng viên trường IPAG Business School Paris, Pháp: Gần đây rất nhiều chuyên gia nhận định rủi ro suy thoái đang tăng đặc biệt ở kinh tế Mỹ, tuy nhiên điều này cũng chỉ là rủi ro cao. Chẳng hạn như tăng trưởng có chậm lại, vấn đề lạm phát tăng nhưng việc làm vẫn tốt. Có nghĩa rằng vẫn có những ngành/lĩnh vực vẫn cần lao động rất nhiều chứng tỏ doanh nghiệp vẫn hoạt động, vẫn cần bổ sung nhân sự.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF): Việc nhiều tài khoản của nhà đầu tư bị thua lỗ dưới đà giảm của thị trường không chỉ là phản ứng với lạm phát mà nó còn là sự điều chỉnh của những cổ phiếu đã tăng một cách rất phi lý trong năm 2020, 2021 so với giá trị thực của chúng.
Đến nay khi dòng tiền rẻ không còn nữa và khi nhà đầu tư cá nhân chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố tâm lý, chính những cổ phiếu đó đã giảm rất nhiều và cùng lúc kéo chỉ số của thị trường đi xuống.
Một điểm đặc biệt là bên cạnh những nhà đầu tư thua lỗ, cũng còn không ít các nhà đầu tư hay tổ chức chuyên nghiệp như quỹ đầu tư đã vượt qua sóng gió và sống khỏe. Những quỹ đầu tư hiệu quả kể cả khi thị trường gặp khó khăn nhờ họ đã thực hiện những chiến lược nào?
Ông Võ Đình Trí: Trong lúc thị trường có những biến động vẫn có những quỹ đầu tư làm rất hiệu quả từ những chiến lược phòng hộ tốt, đánh giá tốt và nhiều khi họ còn thực hiện những kỹ thuật Short.
Có những quỹ đầu tư như vậy trên thế giới vẫn hoạt động hiệu quả ví dụ như những rủi ro suy thoái hay khủng hoảng chu kỳ 5 – 7 năm mới xảy ra một lần, trong chu kỳ đó họ trung thành với chiến lược đầu tư của mình.
Như vậy các nhà đầu tư có thể thực hiện các chiến lược như quỹ để phòng ngừa rủi ro và đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng không?
Ông Võ Đình Trí: Thường những nhà đầu tư kinh nghiệm sẽ đi vào những tài sản trú ẩn ví dụ như trái phiếu hoặc các công cụ tiền ngắn hạn đơn giản nhất là gửi tiết kiệm. Còn về cổ phiếu, vẫn còn rất nhiều cổ phiếu tạo ra dòng thu nhập tốt ví dụ như những doanh nghiệp có tỷ lệ cổ tức ổn định.
Tôi rất thích nhận định của nhà đầu tư kiệt xuất Warren Buffett, chỉ số ưa thích của ông là chỉ số lợi nhuận ròng trên vốn đầu tư. Những doanh nghiệp nào có tỷ lệ sử dụng vốn hiệu quả và tiếp tục đầu tư thì đó là những doanh nghiệp có giá trị nội tại rất tốt.
Bên cnahj đó, khi đa dạng các chiến lược đầu tư khác nhau, có thể bỏ vốn vào các quỹ có chiến lược khác nhau và sự đa dạng đó chính là cách bảo vệ rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga: Thực ra có rất nhiều cách phân loại quỹ khác nhau. Một trong số đó được sử dụng nhiều là sử dụng loại tài sản quỹ đầu tư vào, ví dụ như quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu, quỹ hỗn hợp hay quỹ cân bằng.
Các nhà đầu tư cần phải xem xét chiến lược đầu tư của quỹ là gì và so sánh lợi nhuận tham chiếu của quỹ đó, khả năng chịu đựng rủi ro đến đâu. Quỹ cũng giảm theo thị trường bởi họ cũng nắm giữ một danh mục các cổ phiếu tuy vậy khi nhìn vào kết quả của quỹ hoạt động ở Việt Nam trong 6 tháng, so với VN-Index hầu hết các quỹ đều có mức giảm thấp hơn trong khi nhiều nhà đầu tư giảm đến 40 – 50% thậm chí là 60 – 70%.
Đối với nhà đầu tư không có thời gian hay chuyên môn, chúng ta nên thuê những nhà đầu tư chuyên nghiệp cho mình và cùng lúc đó đầu tư vào những quỹ chuyên nghiệp.