Cập nhật mới đây từ Ngân hàng Nhà nước, tổng tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến hết 31/5/2022 đạt hơn 11,37 triệu tỷ đồng, tăng 48.478 tỷ đồng so với cuối tháng 4 và tăng hơn 430.000 tỷ đồng (tăng 3,93%) so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi của dân cư cuối tháng 5 đạt hơn 5,56 triệu tỷ đồng, tăng 36.889 tỷ so với tháng 4 và tăng 268.480 tỷ (tăng 5,07%) so với cuối năm 2021; tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 11.589 tỷ so với cuối tháng 4 và tăng 161.615 tỷ đồng (tăng 2,86%) so với cuối năm 2021.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng tiền gửi 5 tháng đầu năm nay của dân cư cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp. Xu hướng này trái ngược với diễn biến của giai đoạn 2020 – 2021 trước đó, khi tiền gửi dân cư tăng trưởng tương đối chậm, thậm chí nhiều tháng ghi nhận lượng tiền gửi bị người dân rút ra khỏi hệ thống ngân hàng. Trong khi cả 5 tháng đầu năm nay, số dư tiền gửi dân cư đều đặn ghi nhận mức tăng trưởng dương qua hàng tháng.
Ngược lại, những diễn biến không mấy khả quan đang diễn ra tại phía các công ty chứng khoán (CTCK). Theo ước tính, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào cuối quý 2/2022 chỉ đạt khoảng 80.000 tỷ đồng, giảm 20.000 tỷ đồng so với con số kỷ lục vào cuối quý trước và là mức thấp nhất kể từ quý 1/2021. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý, đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 30/6/2022.
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một trong những giai đoạn ảm đạm nhất kể từ khi làn sóng nhà đầu tư mới đổ bộ cách đây 2 năm đã khiến tâm lý của không ít người lung lay. Chỉ số VN-Index sau nửa đầu năm giảm hơn 20%, tuy nhiên không hiếm nhà đầu tư đã và đang phải gồng gánh nhiều khoản lỗ gấp 2,3 lần mức giảm chung đó. Do vậy, không loại trừ khả năng một lượng tiền lớn đã được nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường và chưa hoàn toàn sẵn sàng để quay trở lại.
Phần lớn các CTCK đều ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng sụt giảm mạnh, thậm chí đến hàng nghìn tỷ đồng so với cuối quý trước. Điển hình như VNDirect, con số này đã giảm gần 1.800 tỷ xuống còn 8.200 tỷ đồng vẫn xếp ở vị trí thứ 2. Theo sau lần lượt là SSI (5.764 tỷ đồng), MBS (4.054 tỷ đồng), FPTS (4.015 tỷ đồng),... TCBS là CTCK có số dư tiền gửi của nhà đầu tư giảm mạnh nhất trong quý 2 với gần 2.600 tỷ đồng.
Bên cạnh sự vơi đi của lượng tiền trong tài khoản nhà đầu tư, dư nợ cho vay tại các CTCK cũng đã giảm mạnh sau khi chạm đỉnh vào cuối quý trước. Số liệu thống kê cho thấy con số này thời điểm cuối quý 2/2022 ước tính đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, giảm 50.000 tỷ so với đỉnh hồi cuối quý 1. Cần phải lưu ý, đây là dư nợ chưa bao gồm cho vay 3 bên và nếu tính thêm từ nguồn này, con số thực tế có thể lớn hơn.
Không những vậy, các tổ chức lớn về đầu tư cổ phiếu tại thị trường Việt Nam khó tránh khỏi việc hiệu suất tăng trưởng âm sau 6 tháng. Danh sách những cái tên có hiệu suất kém hơn so với các chỉ số VN-Index lại tiếp tục được nối dài lên con số 7 so với 5 vào cuối tháng trước, nổi bật là 3 quỹ ETF thụ động quen thuộc gồm V.N.M ETF, FTSE Vietnam ETF và SSIAM VNFinLead ETF với hiệu suất đều âm trên 25%. Một số quỹ chủ động cũng gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm, điển hình như VEIL, DCDS hay JPMorgan VOF đều có hiệu suất tệ hơn so với VN-Index.
Cái tên "tích cực" nhất khi hiệu suất hoạt động khả quan hơn so với các chỉ số quan trọng như VN-Index hay VN30 là DCVFM VNDiamond ETF với hiệu suất âm 3,57%. Ngoài Passion Investment, các tổ chức như KIM Korea Vietnam, VOF VinaCapital, Lion Global Vietnam Fund và DCVFM VN30 ETF chiến thắng 2 chỉ số chính nhưng mức giảm cũng đều trên 10%. Pyn Elite Fund có mức giảm tương đương với của VN-Index nhưng vẫn kém khá xa so với VN30-Index.
Trong bối cảnh đầu tư cổ phiếu khó khăn, nhiều quỹ trái phiếu trở thành điểm sáng nhờ ghi nhận có lãi trong 6 tháng đầu năm 2022. Đại diện tiêu biểu như quỹ Đầu Tư Trái Phiếu DC – DCBF, giá trị chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) tại thời điểm cuối tháng 6 đạt 23.101 đồng/CCQ, tăng 3,9% so với mức 22.230 đồng/CCQ hồi cuối năm 2021. Quỹ Đầu Tư Trái Phiếu – TCBF cũng đạt hiệu suất dương khi tăng 16.209 đồng/CCQ, tăng 3,6% so với hồi đầu năm. Tương tự, quỹ trái phiếu VinaCapital – VFF tại thời điểm cuối tháng 6 đạt 19.891 đồng/CCQ, tăng gần 4,1% sau nửa đầu năm 2022.
Điều này càng minh chứng hơn cho diễn biến của dòng tiền trong những tháng gần đây. Kênh đầu tư chứng khoán trồi sụt và trầm lắng đã khiến dòng tiền nhàn rỗi của người dân chảy mạnh vào những kênh đầu tư có lãi suất cố định như gửi tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư trái phiếu. Các nhà băng hiện nay cũng tích cực nâng lãi suất huy động để thu hút người gửi tiền thời gian gần đây nhằm phục vụ cho nhu cầu tín dụng tăng cao. Bên cạnh đó, lạm phát tăng trở lại cũng khiến ngân hàng nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh. Nhìn lại 6 tháng đầu năm qua, lãi suất tiền gửi đã tăng trung bình khoảng 0,5-1 điểm phần trăm cho kỳ hạn 6-12 tháng so với cuối năm 2021. Mức lãi cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về SCB (7,55% kỳ hạn 18 tháng trở lên), gửi theo hình thức trực tuyến. Một số nhà băng quy mô nhỏ như BacABank, BaoVietBank, Nam A Bank, CBBank, PvcomBank, SHB, KienLongBank đều niêm yết trên mức 7,0% cho kỳ hạn dài 12 tháng trở lên. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới gần 3% tùy vào từng kỳ hạn gửi tiền.
Trong báo cáo thị trường mới phát hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trung bình năm 2022 có thể cao hơn 1,2-1,5 điểm % so với trung bình năm 2021. ''Áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng 1 – 1,5 điểm % trong cả năm 2022. Lãi suất cho vay ghi nhận áp lực tăng tuy nhiên có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động, và sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề'', VCBS nhận định.
Nguồn: VCBS