Theo báo cáo được công bố, các mảng hoạt động của Chứng khoán APEC đều sụt giảm sâu so với quý liền trước. So với cùng kỳ năm ngoái, kết quả cũng không mấy khác biệt.
Mảng tư vấn tài chính đem lại doanh thu lớn nhất cho công ty, đặt 31,7 tỷ đồng trong quý II, tăng 77,7% so cùng kỳ. Thu từ cho vay và phải thu đạt 4,5 tỷ đồng, gấp 3 lần quý II/2021. Nguồn thu từ hoạt động môi giới là 3,5 tỷ đồng, tương đương năm ngoái.
Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính quý II của Chứng khoán APEC đó là khoản mục lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVPTL) lên đến gần 490 tỷ đồng. Kết quả đột biến do chênh lệch giảm đánh giá lại FVPTL gần 461 tỷ đồng.
Thực tế đó là những khoản “lỗ kỹ thuật”, trong quý II công ty bán cắt lỗ khoản đầu tư và chịu mức lỗ thật gần 29 tỷ đồng. Kết quả là, Chứng khoán APEC báo lỗ trước thuế 442 tỷ đồng trong quý II, trong đó lỗ chưa thực hiện là hơn 445,2 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất trong ngành chứng khoán quý II.
Tới đây câu hỏi nhà đầu tư đặt ra Chứng khoán APEC đang tự doanh những cổ phiếu gì khiến kết quả kinh doanh tồi tệ như vậy?
Theo tìm hiểu, các cổ phiếu trong danh mục tự doanh của công ty phần lớn liên quan đến ông Nguyễn Đỗ Lăng là IDJ và API. Ông Nguyễn Đỗ Lăng là CEO của Chứng khoán APEC đồng thời là Thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ), thành viên HDDQT đồng thời cổ đông lớn nhất của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (APEC Investment, Mã: API).
Tại ngày 30/6/2022, giá gốc khoản đầu tư vào IDJ và API là 165,1 tỷ đồng và 188,8 tỷ đồng, không thay đổi so với quý I. Thời điểm cuối tháng 3, hai khoản đầu tư này từng trong trạng thái lãi bằng lần với mức lãi 263,7 tỷ đồng (IDJ) và 173,7 tỷ đồng (API).
Khi tự doanh lãi đậm cổ phiếu liên quan đến người nội bộ và giá mã APS đang tiến lên vùng đỉnh, Chứng khoán APEC từng gây bất ngờ thị trường với màn lãnh đạo và cổ đông đeo khăn tím và đồng thanh hô “quyết tâm gồng lãi”.
Song, công ty không chốt lời khi giá cổ phiếu lao dốc đẩy khoản tự doanh mã API rơi vào trạng thái lỗ. Giá cổ phiếu APS lao dốc mạnh từ sát mốc 100.000 đồng/cp giữa tháng 11/2021 xuống còn 34.800 đồng/cp tại ngày 26/7. Cùng cảnh ngộ, cổ phiếu IDJ giảm từ trên 40.000 đồng/cp xuống còn 14.000 đồng/cp. Mã APS từ đỉnh cao sát mốc 60.000 đồng/cp nay chỉ còn 13.500 đồng/cp.
Điều đáng nói, mặc dù tự doanh API, Chứng khoán APEC liên tục nâng định giá cổ phiếu này, thậm chí lên ngưỡng ba con số. Về giao dịch API, trong khoảng thời gian 20 – 29/6, bà Nguyễn Thị Bổn, mẹ ông Nguyễn Đỗ Lăng đã bán hết 966.100 cp.
Thông tin thêm, trong quý II Chứng khoán APEC bán cắt lỗ cổ phiếu NBB, giảm giá gốc khoản đầu tư một nửa từ 93,55 tỷ đồng cuối quý I xuống còn 45,55 tỷ đồng. Hiện công ty này đang chịu mức lỗ gần 30,7 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 67,3%.
Cùng với cắt lỗ NBB, công ty mua thêm 20,51 tỷ đồng cổ phiếu TCH và đang chịu mức lỗ gần 4,2 tỷ đồng.
Về quy mô hoạt động, tổng tài sản cuối quý II của công ty là 1.120 tỷ đồng, giảm sâu so với mốc 1.612 tỷ đồng đầu kỳ. Danh mục FVTPL giảm xuống còn 598,2 tỷ đồng. Giá trị cho vay margin cũng giảm từ 414 tỷ đồng đầu năm còn 186 tỷ đồng.