Thời gian qua, thị trường bất động sản ở các địa phương vẫn liên tục lên cơn sốt đất, thậm chí nhà đầu tư trao tay nhau chỉ trong thời gian ngắn cũng lãi vài trăm triệu đồng. Thời điểm hiện tại, không còn diễn ra những cảnh nhà đầu tư xếp ô tô hàng dài để xem, mua đất. Hiện tượng lệch pha cung - cầu đã xảy ra khi người mua ít nhưng người bán nhiều.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, thị trường bất động sản đang chịu nhiều tác động của bất ổn chính trị, kinh tế thế giới, cùng với yếu tố vĩ mô nên khó đoán khi nào thị trường sẽ hồi phục, thanh khoản về mức ổn định.
Ông Thanh thông tin, khả năng chi trả của những người có nhu cầu thực đang giảm, kéo theo thanh khoản của thị trường bất động sản cũng đi xuống. Thị trường đang ở mức độ hấp thụ kém trong khoảng thời gian từ đầu năm tới nay. Điều này, phản ánh thực tế rằng việc kiểm soát tín dụng đã ảnh hưởng lớn đến sức mua của thị trường.
Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trong thời điểm này, những người dùng vốn vay chắc chắn phải bán ra, kể cả lỗ để thu hồi vốn, trả nợ. Còn với những người có khả năng, tiềm lực tài chính mạnh thì có thể cầm cự lâu dài. Tuy nhiên, nếu mức giá còn neo cao, thị trường vẫn sẽ khó thanh khoản, ít giao dịch. Do đó, trong thời gian tới, thị trường bất động sản có thể sẽ có xu hướng điều chỉnh theo hướng giảm giá, trở về trạng thái cân bằng hơn.
Trong bối cảnh các nước đang lạm phát cao, Việt Nam vẫn đang điều hành tốt để kiểm soát lạm phát ở mức ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hội nhập cùng thế giới, nên xu hướng thị trường sẽ còn khó khăn là không tránh khỏi. Do đó, theo vị chuyên gia, các nhà đầu tư nếu thực sự có tiềm năng, nên tham gia phân khúc bất động sản giá rẻ. Phân khúc này luôn có thanh khoản nhưng phải chấp nhận lãi chắc chắn sẽ dưới 10%, còn nếu kỳ vọng cao hơn nữa thì không có, vì thời điểm này cơ hội lướt sóng thấp.
“Phân khúc cao cấp có giá rất cao, chỉ dành cho những người có điều kiện mua để ở hoặc kinh doanh, đầu tư, người có nhu cầu ở thực có khả năng chi trả cho phân khúc này thấp. Trước đây, các nhà đầu tư có thể rất hào hứng về phân khúc cao cấp nhưng thực tế những người có khả năng mua lại, hay người có nhu cầu ở thật rất ít, cho nên các nhà đầu tư cũng thận trọng trong việc đầu tư vào phân khúc này”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, thị trường bất động sản vẫn đang đón nhận những điểm sáng, tuy nhiên bức tranh chung là giá bất động sản đang cao hơn gấp hàng chục lần so với thu nhập trung bình của người dân, dẫn đến việc hấp thụ sản phẩm kém đi trong giai đoạn này.
Đặc biệt, nguồn cung đang chủ yếu ở phân khúc cao cấp, trong khi nhu cầu về nhà ở bình dân rất lớn nhưng sản phẩm cho phân khúc này lại rất ít. Điều cấp bách lúc này là cần sớm gia tăng nguồn cung trên thị trường, đưa bất động sản về giá trị thực, đáp ứng nhu cầu thực thì thị trường mới có thể phát triển ổn định, lành mạnh.
Thực tế, thời gian qua thị trường bất động sản đã bứt lên nhanh chóng, các nhà đầu tư lướt sóng hầu hết đều có lời. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, thị trường đi ngang, không ít người đầu cơ bị “mắc kẹt”, thậm chí phải cắt lỗ.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, nhà đầu tư tham gia thị trường với mục đích lướt sóng trong giai đoạn hiện nay khó có thể tồn tại, vì mua bất động sản không nên nghĩ là sẽ bán trong vòng 6 tháng hay 12 tháng mà phải kéo dài từ 12 - 36 tháng. Các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ, không nên sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư do lãi suất đang tăng.
“Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu giảm giá từ 3-5%. Thời gian từ 3-6 tháng tới là thời điểm khó khăn đối với bất động sản, vì room tín dụng vẫn chưa có tín hiệu mở lại. Bất động sản sẽ có xu hướng giảm giá, giao dịch chậm lại. Những sản phẩm trong nội đô có giá trên 20 tỷ đồng và ngoại ô trên 10 tỷ đồng bắt đầu chấp nhận giảm giá để bán. Trong quý IV, nếu vẫn khó khăn như hiện tại thì thanh khoản có khả năng tiếp tục giảm từ 5 - 10% đối với những bất động sản giá trị lớn", ông Quang cho biết.