Mục tiêu có 7 - 8 kỳ lân công nghệ trong ba năm tới
Phát biểu tại Hội nghị Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) cho biết các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn trong quá trình hồi phục sau đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
"Sự hỗ trợ cả về mặt công nghệ và vốn sẽ là động lực quan trọng để các doanh nghiệp SME phát triển trong tương lai", ông Hùng đánh giá.
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số.
Ông Hùng cho hay chuyển đổi số là quá trình lâu dài nhưng quan trọng nhất là thay đổi về nhận thức của người đứng đầu, hiện một lượng lớn doanh nghiệp SME đã có sự thay đổi trong tư duy, nhận thức. Đây là thành công bước đầu trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
"Việt Nam hiện có 4 kỳ lân công nghệ là VNG, VNLife, Sky Mavis và MoMo. Chúng ta cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 7, 8 kỳ lân là những doanh nghiệp có giá trị vốn hoá đạt 1 tỷ USD. Những bài học thành công này là nguồn cảm hứng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi số", ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, Cục Phát triển doanh nghiệp và Dự án USAID LinkSME đã triển khai đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, 14 doanh nghiệp đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD Mỹ.
Cũng theo Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, nông nghiệp và chế biến chế tạo là hai ngành Việt Nam đang có nhiều dư địa để phát triển. Trong khi chuyển đổi số ngành nông nghiệp giúp minh bạch nguồn gốc xuất xứ, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Đối với chế biến chế tạo, nếu như muốn tham gia vào các chuỗi giá trị lớn có tính chất khu vực và toàn cầu thì chúng ta phải chuyển đổi số, minh bạch hoá quy trình sản xuất thì mới tạo được niềm tin cho đối tác.
Vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sun Group hay Hoà Phát
Theo GS. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), Việt Nam đang có hơn 900.000 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Rõ ràng nhóm này cần sự trợ giúp từ các tập đoàn lớn, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nội địa.
Để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu thì không thể phủ nhận vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp hàng đầu như: Vingroup, Sun Group hay Hoà Phát rất chú trọng đến việc nâng cấp công nghệ thường xuyên hay thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việc chuyển sang kinh tế số, thanh toán số của các doanh nghiệp lớn cũng tác động lan toả rất nhiều đến đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi không ít trong số này là đối tác của các công ty, tập đoàn lớn, GS. Mại chỉ ra.
Phải khẳng định rằng, nhờ có chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng đông về số lượng mà còn thay đổi về cấu trúc và chất lượng. Theo GS. Nguyễn Mại, tất nhiên chưa thể hài lòng khi trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự bứt phá nhưng cần có thời gian để các doanh nghiệp này tích luỹ kinh nghiệm, gia tăng đầu tư thì nhằm phát triển.