Kết quả kinh doanh tích cực
Lợi nhuận trước trích lập Đề án của Sacombank đạt hơn 10.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.900 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và đạt 55,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Các chỉ số an toàn hoạt động luôn tuân thủ quy định và cải thiện tích cực, đặc biệt là hệ số CAR luôn duy trì trên mức 9%, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu an toàn hoạt động và khai thác hiệu quả nguồn vốn.
Quy mô hoạt động của Sacombank tăng trưởng mạnh mẽ, tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 551.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm. Tổng huy động đạt hơn 493.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt gần 415.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,22%. Chỉ số ROA, ROE tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt mức 0,77% và 11,86%.
Tổng thu nhập tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 11.200 tỷ đồng. Trong đó, thu dịch vụ tăng gần 85% với sự đóng góp lớn từ mảng dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng điện tử. Hiệu suất lao động được cải thiện, tỷ lệ CIR đạt mức 48,3%, giảm 8% so với cùng kỳ.
Những thành tựu chuyển đổi số nổi bật
Định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng và hiện đại, Sacombank đã đầu tư vào hoạt động chuyển đổi số từ sớm. Riêng năm 2022, Sacombank tập trung đẩy mạnh hoạt động này, xem đây là yếu tố tiên quyết để nâng cao năng lực số, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của Sacombank trên thị trường. Các hoạt động số của Sacombank không chỉ dừng lại ở việc ra mắt công nghệ mới mà còn kết hợp và tối ưu hóa các công nghệ hiện hữu nhằm mang lại trải nghiệm trọn vẹn, liền mạch cho khách hàng.
Điển hình, Sacombank đã tiên phong kết hợp với Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard cho ra mắt thẻ tích hợp 1 chip Sacombank Mastercard Only One - dòng thẻ quốc tế công nghệ cao lưu trữ thông tin thẻ tín dụng và thẻ thanh toán trên cùng một con chip.
Ngân hàng cũng vừa triển khai dịch vụ giao dịch qua email với chữ ký số và mở tài khoản giao dịch trực tuyến (thông qua công nghệ eKYC) dành cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiến tới xây dựng ngân hàng hợp kênh (Omni-Chanel Banking) nhằm gia tăng tiện ích, mang tới trải nghiệm liền mạch và trọn vẹn cho khách hàng.
Nhờ những nỗ lực không ngừng, ngay từ những tháng đầu năm, Sacombank đã vinh dự được xướng tên tại các giải thưởng, danh hiệu uy tín như giải thưởng “Ngân hàng có hoạt động ngoại hối và thị trường vốn tốt nhất Việt Nam năm 2022” do tạp chí The Asset (Hong Kong) bình chọn; giải Sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm trong lĩnh vực Ngân hàng số dành cho công nghệ Tap to phone (trong khuôn khổ Lễ trao giải thưởng Sao Khuê 2022); loạt giải thưởng về công nghệ số, doanh số giao dịch và số lượng thẻ phát hành từ các tổ chức thẻ quốc tế như Mastercard và Visa.
Sắp tới, Sacombank sẽ tiếp tục mục tiêu số hóa toàn diện, tập trung đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, quyết liệt triển khai các giải pháp để xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng; tiếp tục hoàn thiện các dự án quản trị rủi ro đáp ứng theo tiêu chuẩn Basel II; nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng cho khách hàng; nâng cao năng suất lao động và tập trung mọi nguồn lực nhằm tạo bước đột phá trong kinh doanh.