Nhiều doanh nghiệp lãi từ vài trăm đến gần chục ngàn tỉ đồng nhờ kinh doanh xăng dầu - Ảnh: BÔNG MAI
Bức tranh kinh doanh nửa đầu năm 2022 của các doanh nghiệp ngành xăng dầu đang niêm yết trên sàn chứng khoán dần được hé lộ.
Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR, đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - Quảng Ngãi) trở thành trường hợp nổi bật, khi công bố báo cáo tài chính quý 2 với mức lãi tăng vọt.
Theo đó, chỉ trong quý 2-2022, doanh nghiệp đã gặt hái hơn 52.000 tỉ đồng doanh thu thuần (+88% so với cùng kỳ năm trước). Sau khi trừ đi giá vốn và chi phí... doanh nghiệp còn lãi ròng hơn 9.900 tỉ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước, kỷ lục từ trước đến nay.
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của đơn vị này đạt mức đáng mơ ước so với nhiều doanh nghiệp khác, khi trong quý 2 năm nay cứ 100 đồng doanh thu thì mang về hơn 20 đồng lợi nhuận, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp gặt hái hơn 87.000 tỉ đồng doanh thu (+78%), lãi ròng gần 12.300 tỉ đồng - gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước, vượt xa kế hoạch lãi sau thuế 1.400 tỉ đồng cả năm.
"2022 là năm khá đặc biệt bởi chênh lệch giá giữa sản phẩm lọc và dầu thô (crack margin) đang ở mức khá cao, cao bất thường so với các năm", ông Bùi Ngọc Dương - tổng giám đốc của Lọc hóa Dầu Bình Sơn chia sẻ với truyền thông, đồng thời dự báo từ giờ đến cuối năm sự chênh lệch giá trên vẫn rất tốt với doanh nghiệp lọc hóa dầu.
Dù chưa công bố báo cáo tài chính quý 2-2022, nhưng kết quả kinh doanh "anh lớn" Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas (mã chứng khoán GAS) cũng được Tổng cục Thống kê hé lộ.
Theo đó, nửa đầu năm nay PV Gas đạt tổng doanh thu hơn 54.500 tỉ đồng và lãi sau thuế hơn 6.900 tỉ đồng, tăng 34% và 59% so với cùng kỳ năm trước.
Đội ngũ phân tích của Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết PV Gas có thể duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong nửa cuối năm nay, vì các nước xuất khẩu dầu mỏ dường như sẽ không tăng sản lượng dù gặp nhiều áp lực do thiếu hụt nguồn cung từ Nga, giá dầu dầu đốt (FO) và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tiếp tục giữ ở mức cao, các nhà máy điện khí được huy động cao, dự án Lô B - Ô Môn (Cần Thơ) được đưa vào khai thác.
Không chỉ phân phối phân bón, Công ty CP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (ABS) còn đầu tư kinh doanh xăng dầu, góp phần mang đến bức tranh kinh doanh tươi sáng.
Chốt quý 2 năm nay, doanh nghiệp ghi nhận hơn 500 tỉ đồng doanh thu thuần, mang về 11 tỉ đồng lãi ròng, tương ứng tăng 16% và 32% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, giám đốc Trần Thị Hường cho biết doanh thu và cả lợi nhuận quý 2 năm nay đều tăng nhờ công ty đẩy mạnh kinh doanh các mảng truyền thống phân bón, như xuất khẩu nguyên liệu sản xuất phân bón sang thị trường Campuchia.
Riêng mảng xăng dầu, công ty phát triển thêm một số khách hàng tiềm năng nên sản lượng tiêu thụ tăng gần gấp đôi năm trước. Đồng thời, giá phân bón và xăng dầu tăng cao do ảnh hưởng cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng góp phần làm kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh.
Tính chung nửa đầu năm nay, doanh nghiệp này đạt hơn 560 tỉ đồng doanh thu thuần (+40%) mang về 15 tỉ đồng lãi ròng (+41%).
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp dầu khí nào cũng tăng trưởng tốt trong thời gian qua.
Điển hình như Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu - NSH Petro (mã chứng khoán PSH, chuyên xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hóa dầu…) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2-2022 không mấy khả quan.
Mặc dù mang về hơn 1.700 tỉ đồng doanh thu (+43%) trong quý 2 này, song doanh nghiệp lại bị lỗ ròng sau thuế 265 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi 52 tỉ đồng. Việc thua lỗ cũng khiến cách xa mục tiêu lãi ròng sau thuế 350 tỉ đồng cho cả năm.
Phía dầu khí Nam Sông Hậu cho biết kết quả kinh doanh đi lùi do giá xăng dầu trên thế giới và trong nước có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành nguyên vật liệu đầu vào, dẫn đến giá vốn tăng cao. Chưa kể chi phí lãi vay cũng tăng mạnh.