Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 6,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 23,0% so với cùng kỳ năm trước), tổng thu nhập hoạt động tăng 13,2% so với cùng kỳ, đạt 10,1 nghìn tỷ đồng, dẫn dắt bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi.
Cụ thể, thu nhập từ lãi đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ danh mục tín dụng được mở rộng và biên lãi thuần (NIM) ổn định.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 24,1%, đạt 2,0 nghìn tỷ đồng, với sự đóng góp của thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) và thu từ thư tín dụng (LC), tiền & các khoản thanh toán tăng lần lượt 35% và 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của Techcombank ở mức 30,7% với chi phí hoạt động tăng 21,3% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng chủ yếu do các khoản đầu tư vào công nghệ và hội sở mới (D’Capitale) để mở rộng kinh doanh, làm gia tăng chi phí khấu hao. Chi phí tư vấn (trong chi phí khác) tăng để hỗ trợ cho việc ra các quyết định chiến lược của Ngân hàng.
Chi phí dự phòng giảm đáng kể, 74,3% so với cùng kỳ năm trước, do nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, dẫn đến việc trích lập dự phòng thấp hơn, hoặc một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập.
Techcombank tiếp tục củng cố vị thế đầu ngành về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lần lượt đạt mức 50,4% và 3,6%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II vững mạnh, đạt 15,1%.
Hình ảnh mimh họa
Tổng tài sản của Ngân hàng đạt 615,3 nghìn tỷ đồng tại ngày 31 tháng 03 năm 2022, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng trên báo cáo riêng lẻ cuối quý 1 năm 2022 đạt 418,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2020.
Trên báo cáo hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 171,6 nghìn tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ 18,1% so với cuối quý 1 năm 2021, đạt 270,9 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 1 năm 2022 ở mức 0,7% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên đến 160,8%, phản ánh chất lượng và sự ổn định của tài sản trong và sau đại dịch COVID-19.
Ngày 23 tháng 04 năm 2022, Techcombank đã tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2022 (ĐHĐCĐ). ĐHĐCĐ đã thông qua các nghị quyết, bao gồm Kế hoạch Kinh doanh năm 2022.
Các cổ đông của Techcombank đồng thuận cao với kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận để đầu tư vào số hóa, dữ liệu và nhân tài, đồng thời hỗ trợ đà tăng trưởng của Ngân hàng như đã đề ra trong chiến lược 2021-2025.
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 cũng được trình bày trong cuộc họp, khẳng định Ngân hàng ở vị thế tốt để tham gia sâu rộng vào sự phục hồi kinh tế khi Việt Nam dần thoát khỏi đại dịch. Năm 2022, Ngân hàng đặt kế hoạch LNTT 27,0 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với 2021. Tín dụng của Ngân hàng được dự kiến tăng 15,0% lên 446,6 nghìn tỷ đồng hoặc cao hơn, trong mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tiền gửi của khách hàng sẽ tăng trưởng phù hợp với tín dụng thực tế khi Ngân hàng tiếp tục phát huy thế mạnh từ việc tối ưu hóa việc quản lý tài sản nợ - có (ALM). Techcombank đặt kế hoạch duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.