Xuất phát từ nhu cầu của người dân, Chính phủ đã hai lần cho phép Bộ Công an tổ chức đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn (năm 1993 và năm 2008) nhưng sau đó phải tạm dừng.
Lần này, đề xuất tổ chức đấu giá được tái khởi động bằng dự thảo Nghị quyết thực hiện thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá đang được Bộ Công an lấy ý kiến.
Các chuyên gia ủng hộ thực hiện đấu giá biển số nhưng còn ý kiến trái chiều về cơ chế thực hiện.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý với việc nên thực hiện đấu giá biển số để đáp ứng nguyện vọng của người dân, tăng thu ngân sách.
Tuy nhiên, cơ chế đấu giá như thế nào cho hợp lý, hiệu quả và các vấn đề pháp lý xung quanh thì vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Đem bán biển số trúng đấu giá được không?
TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định: Việc cho công dân sở hữu biển số xe theo lựa chọn là cần thiết.
Tuy nhiên, ông cho rằng nghị quyết nên có quy định công dân không được phép bán, tặng cho, để lại thừa kế biển số xe trúng đấu giá để tránh tình trạng kinh doanh biển số thông qua đấu giá.
Ngoài ra, TS Tiến cũng đề xuất công dân có quyền được đấu giá nhiều biển số xe, không hạn chế số lượng nhưng không được chuyển biển số xe cho người khác.
“Tùy vào nhu cầu của công dân, họ có thể sở hữu nhiều biển số xe để thỏa mãn sở thích thông qua đấu giá công khai nhưng khi họ bán xe thì chỉ bán chiếc xe không được chuyển biển số. Như vậy, không có việc cá nhân lợi dụng đấu giá để kinh doanh biển số đẹp” - TS Tiến phân tích.
Cùng tán đồng quy định cho phép đấu giá biển số xe; tuy nhiên ThS Mai Hoàng Phước, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, lại cho rằng có thể cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng biển số xe trúng đấu giá.
Khi đó, cần đặt ra các loại thuế, phí trong việc chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng biển số như các loại tài sản khác.
Theo ông, nếu thừa nhận quyền sử dụng biển số xe như một quyền tài sản và được phép mua, bán thì sẽ phát sinh tình trạng sưu tập, đầu cơ hoặc kinh doanh nhưng nếu biết cách quản lý thì sẽ có lợi.
“Hoạt động sưu tập, đầu cơ, kinh doanh biển số xe không xấu mà còn làm tăng thêm tính cạnh tranh cho các cuộc đấu giá, quan trọng là cách thức tổ chức và quản lý đấu giá như thế nào cho công khai, minh bạch và công bằng” - ThS Phước bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, ông cho rằng nên có quy định về thời hạn người trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ đăng ký biển số cho xe. Nếu quá thời hạn quy định mà không làm thủ tục đăng ký thì sẽ bị thu hồi biển số trúng đấu giá.
Phải có xe chưa bấm biển mới được đấu giá? Trước đề xuất đấu giá biển số xe, nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định về điều kiện người tham gia đấu giá bắt buộc phải có một xe mới, chưa đăng ký biển số để tránh việc đầu cơ. Theo luật sư Nguyễn Trọng Hào (Đoàn Luật sư TP.HCM), ý kiến này thiên về quan điểm cho rằng biển số xe là công cụ hành chính. Tuy nhiên, luật sư Hào ủng hộ ý kiến này. Ông cho rằng cần đặt điều kiện như trên để tạo rào chắn pháp lý, tránh tình trạng thương mại hóa những công cụ hành chính, sau này biến tướng thành nhiều vấn đề không lường trước được. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Tiến, việc quy định điều kiện phải có xe chưa bấm biển là không cần thiết và có thể làm giảm tính cạnh tranh, hiệu quả về kinh tế của cuộc đấu giá. Theo ông, chỉ nên quy định pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho hay thừa kế biển số xe thì sẽ tránh được tình trạng đầu cơ biển số. |
Việc đấu giá biển số xe được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách. Ảnh minh họa
Sở hữu biển số trọn đời hay có thời hạn?
Theo TS Nguyễn Văn Tiến, biển số xe gắn liền với việc quản lý phương tiện giao thông, không nhằm đáp ứng các mục đích tiêu dùng như tài sản thông thường.
Vì vậy, nên quy định biển số xe gắn với chủ sở hữu. Đồng thời, người trúng đấu giá có quyền sở hữu biển số đến trọn đời.
Còn theo ThS Mai Hoàng Phước, ông ủng hộ quy định người trúng đấu giá khi bán xe được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu (biển số đi theo người) như dự thảo nghị quyết đã nêu.
Tuy nhiên, ThS Phước cho rằng quy định biển số đi theo người nên có thời hạn cụ thể; ví dụ như 20 năm chẳng hạn để có thể tái sử dụng và tránh được tình trạng đầu cơ biển số.
Ngoài ra, cả TS Tiến và ThS Phước đều đồng quan điểm nên có quy định rõ hơn về đấu giá biển số xe theo nhu cầu của người dân.
Ví dụ, đối với biển số xe theo ngày, tháng, năm sinh; biển số xe trùng khớp với số nhà, căn cước công dân, số điện thoại và các nhu cầu khác…
Đấu giá biển số xe ở một số nước trên thế giới Đấu giá biển số xe không phải là điều xa lạ, bởi có nhiều quốc gia khác trên thế giới đã thực hiện. Tại khu vực châu Á có thể kể đến Hong Kong, Thái Lan. Theo thông tin từ Sở GTVT Hong Kong, từ năm 1973, cơ quan này đã xúc tiến đấu giá để bán biển số xe và hiện nay vẫn đang được tiến hành. Biển số xe ở Hong Kong được bán đấu giá có thể từ chiếc ô tô hiện có của người bán hoặc chiếc biển số hoàn toàn mới. Còn ở Thái Lan, các chủ phương tiện cá nhân được phép đấu giá các biển số đặc biệt, với mỗi biển số bao gồm các chữ cái Thái Lan, dấu thanh và số không quá bảy ký tự. Những biển số được chọn nhiều nhất có các từ đại diện cho tiền bạc và sắc đẹp. Tại Mỹ, việc bán đấu giá biển số xe ở đa số các bang sẽ do nha lộ vận - cơ quan cấp tiểu bang quản lý. Tại bang Delaware, để có thể đem đi bán đấu giá, biển số phải đến từ một phương tiện cơ giới đã đăng ký hoạt động. Việc giao dịch sẽ được thực hiện trực tiếp giữa người mua và người bán. Sau khi đạt được thỏa thuận, cả hai phải xuất hiện tại nha lộ vận để điền các thủ tục giấy tờ cần thiết và trả một khoản phí 20 USD. Trong khi đó, tại bang Texas, người trả giá cao nhất và mua thành công biển số xe sẽ được độc quyền đối với biển số xe ấy trong thời hạn cụ thể với tùy chọn gia hạn cho các điều khoản bổ sung. |