Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh do VCCI công bố mới đây, số doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27%, thấp nhất trong nhiều năm nay.
Có ba nhóm nguyên nhân cơ bản gây ra lạm phát gồm cầu kéo, chi phí đẩy và các kỳ vọng lạm phát.
Cầu kéo là do tổng cầu của nền kinh tế gia tăng dẫn đến mức giá tăng; chi phí đẩy là do lượng hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế được sản xuất ra giảm dẫn đến mức giá gia tăng và lạm phát kỳ vọng xảy ra khi người dân và doanh nghiệp nghĩ (kỳ vọng) rằng giá cả sẽ tăng dẫn đến giá tăng thực sự.
Với thực trạng nền kinh tế hiện nay, lạm phát ở Việt Nam đang chủ yếu là do chi phí đẩy với các nguyên nhân bên ngoài và bên trong.
Giá xăng dầu thế giới thời gian qua tăng dẫn đến giá cả các mặt hàng liên quan tăng theo. Đây là nhân tố khách quan từ bên ngoài. Các chính sách mà Việt Nam có thể can thiệp là cắt giảm các chi phí liên quan, đặc biệt là các khoản thuế và phí. Tuy nhiên, tác động chỉ là chừng mực.
Điều quan trọng là khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là nguyên nhân quan trọng làm cho chi phí chung của nền kinh tế tăng cao.
Các con số công bố cho thấy số doanh nghiệp đóng cửa hay tạm dừng hoạt động cao hơn đáng kể so với số thành lập mới. Trong bốn tháng đầu năm, số giảm tuyệt đối là hơn 5.100 doanh nghiệp.
Theo một nguồn tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong bốn tháng đầu năm, TP.HCM chỉ có một dự án bất động sản có sản phẩm hình thành trong tương lai được cấp phép so với mức hàng trăm dự án ở những lúc cao điểm. Điều tương tự cũng xảy ra với nhiều ngành và các hoạt động kinh tế khác.
Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm các dự án tài trợ từ nước ngoài) cũng đang ách tắc nhiều nơi. Khi số cơ sở sản xuất kinh doanh bị thu hẹp và ngân sách nhà nước chi tiêu chậm chạp, gánh nặng chung của cả nền kinh tế đổ dồn vào những nơi đang còn hoạt động làm cho chi phí và giá cả gia tăng.
Đã có những đánh giá việc kinh doanh của các doanh nghiệp đang thực sự khó khăn, sự năng động và tinh thần dám nghĩ dám làm của đội ngũ cán bộ công chức đang ở mức rất thấp.
Dám nghĩ dám làm là phương châm được đề cao để khuyến khích các địa phương phát triển kinh tế, các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ đổi mới. Của cải làm ra được chia cho cả xã hội bằng những cơ chế khác nhau và đội ngũ những người làm trong khu vực công cũng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, tinh thần dám nghĩ dám làm đó đang bị co cụm và trở thành tình trạng tiêu cực cản trở đổi mới. Năm ngoái Chính phủ phải ban hành quy định về khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm, thế nhưng sau một năm tình hình vẫn chưa thay đổi rõ rệt.
Để khơi thông nguồn cung, Chính phủ cũng như các địa phương đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo giải quyết. Ví dụ UBND TP.HCM đã ban hành công văn để triển khai thực hiện một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Tuy nhiên, kết quả phụ thuộc rất nhiều vào các định hướng chiến lược.
Để có thể tăng cung nhằm kiểm soát lạm phát trong ngắn hạn và tạo nền tảng tăng trưởng và phát triển dài hạn, một định hình về chính sách phát triển mới trong đó đặt việc chống tham nhũng, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, đội ngũ cán bộ công chức dám nghĩ dám làm trên cơ sở lợi ích tập thể hòa quyện và cùng hướng với lợi ích chung là hết sức cần thiết.
Tình hình thế giới dự báo sẽ còn nhiều biến động. Bên cạnh yếu tố bên ngoài, Việt Nam cần phải tập trung để thúc đẩy giảm thiểu các yếu tố bất lợi từ bên trong như đã phân tích ở trên để có thể giảm thiểu tác hại từ lạm phát và bước tới vững vàng.