Động thái của các NHTW lớn
Tâm điểm thị trường tháng 6 đang hướng về các cuộc họp “quyết định lãi suất” của các Ngân hàng Trung ương lớn bao gồm BoC, ECB, BoJ, FED, và BoE.
Đêm 6/6 (theo giờ Việt Nam), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giảm lãi suất tham chiếu lần đầu tiên kể từ năm 2019. Ngân hàng này thông báo giảm lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản, về 3,75% từ mức 4% được duy trì từ tháng 9/2023.
Không chỉ ECB, các chuyên gia còn kỳ vọng hai Ngân hàng Trung ương lớn là BoC và BoE sẽ lần lượt thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau hai năm. Trong khi đó Fed hiện vẫn giữ nguyên lãi suất hiện tại nhưng thông điệp đưa ra sẽ “Bồ Câu” hơn dựa trên những dữ liệu về tăng trưởng, lạm phát và việc làm mới đây.
Bình luận về chính sách của Fed, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS cho rằng báo cáo lạm phát, tiêu dùng tháng 4 cho thấy lạm phát của Mỹ đã giảm nhưng chưa đủ thay đổi lộ trình của Fed trong năm nay.
"Lạm phát PCE lõi hạ nhiệt và tốc độ tăng trưởng chi tiêu, thu nhập cá nhân chậm lại là những diễn biến tích cực đối với xu hướng lạm phát trong thời điểm hiện tại. Nhưng tỷ lệ đặt cược đang gia tăng là Fed sẽ muốn chờ thêm đủ dữ liệu để củng cố niềm tin rằng lạm phát đang hạ nhiệt một cách bền vững trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất", ông Sơn nói.
Theo ông, các dự báo gần đây về đường cong lãi suất và dự báo xu hướng lãi suất của Fed theo CME Group cho thấy khả năng Fed có thể chỉ hạ lãi suất một lần trong năm nay với mức hạ kỳ vọng 25 điểm cơ bản và thời gian dự kiến vào tháng 11 khi cuộc họp của Fed kết thúc ngay sau khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, diễn biến này cũng phản ánh sự tích cực vào tháng 9 khi kỳ vọng hạ lãi suất trong tháng 9 tăng từ 52% ở tuần trước lên 62% trong tuần này. Sự tích cực của lạm phát hỗ trợ kỳ vọng cho nhà đầu tư rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn vào tháng 9.
Ông cũng nhấn mạnh báo cáo việc làm của Mỹ vừa công bố vào cuối tuần này là một chỉ báo quan trọng với việc Fed có hạ lãi suất sớm hay không? Giới phân tích quốc tế nhận định báo cáo việc làm mới nhất đã khẳng định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất vào tháng 7 và có thể là cả tháng 9.
Vào ngày 13/6, FOMC cũng có cuộc họp quyết định lãi suất trong tháng 6, tuy nhiên nhiều khả năng Fed vẫn giữ lãi suất, Giám đốc Chiến lược Thị trường của VPBankS đánh giá.
Lãi suất của Fed là một yếu tố quan trọng tác động đến tỷ giá. Chỉ khi nào Fed hạ lãi suất thì áp lực tỷ giá đối với VND mới thực sự giảm. Các chuyên gia cho rằng việc tỷ giá có căng thẳng tiếp hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed và xu hướng đồng USD.
Hiện các yếu tố quốc tế không có nhiều bất ngờ tiêu cực với việc điều hành tỷ giá nên USD/VND có thể duy trì ở mức 25.500. Với yếu tố trong nước, thời gian cao điểm đối với nhu cầu ngoại tệ thường rơi vào cuối quý III, đầu quý IV. Khi đó, NHNN có thể sẽ cần bán tiếp ngoại tệ để ổn định tỷ giá.
Còn theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong tháng 6, ngoài động thái từ các ngân hàng trung ương thế giới, cũng có một sự kiện, yếu tố vĩ mô mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Đầu tiên, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy dữ liệu vĩ mô Việt Nam mới đây ghi nhận sự tích cực về sản xuất và tiêu dùng, củng cố cho triển vọng tăng trưởng GDP quý II khả quan. Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê sẽ công bố con số tăng trưởng quý II, đây là một trong những chỉ số quan trọng của nền kinh tế và có thể tác động đến thị trường chứng khoán.
Yếu tố vĩ mô thứ hai là thị trường tiền tệ, mặc dù áp lực tỷ giá liên tục mạnh trong thời gian gần đây và NHNN đã có những hành động quyết liệt để giảm áp lực cho tỷ giá. Vì vậy, VDSC đánh giá rằng lãi suất điều hành và lãi suất trong tháng tới chưa có biến động bất thường.
Theo xu hướng hiện tại, tỷ giá đã được giảm bớt áp lực, thị trường vàng đang được kiểm soát bằng biện pháp bình ổn của NHNN, lãi suất chưa có dấu hiệu tăng,... đây là những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán tháng 6.
Cuối cùng là việc Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, và Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn kế hoạch ban đầu. Nếu được thông qua trong tháng 6, sự tích cực từ nhóm cổ phiếu bất động sản (chiếm 14% vốn hóa rổ VN- Index) có thể tác động tích cực đến thị trường.