Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC đã được kiểm toán, năm 2023, SJC đem về 28.408 tỷ đồng doanh thu, tăng 4,6% so với năm 2022 và lãi sau thuế 24,5%, đạt xấp xỉ 61 tỷ đồng, chủ yếu nhờ được hoàn nhập chi phí tài chính.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của SJC đạt 1.898,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản phải thu ngắn hạn khác có ghi nhận khoản phải thu từ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Nhã Vinh - Ứng trước tiền xây dựng hạ tầng khu dân cư Quận 12, TP. HCM số tiền 46,9 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, SJC cho biết, doanh nghiệp này đang làm các thủ tục khởi kiện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Nhã Vinh về việc chậm giao nền nhà để Công ty thực hiện giao lại nền nhà cho các cán bộ công nhân viên và một số cá nhân bên ngoài. Tổng số tiền SJC đã thu của cán bộ công nhân viên và các cá nhân khác là 46,2 tỷ đồng.
Khoản phải thu 46,9 tỷ đồng từ Tân Nhã Vinh này đã được SJC ghi nhận là nợ quá hạn trên 3 năm từ nhiều năm nay.
Đây là khoản SJC ứng trước tiền xây dựng hạ tầng khu dân cư quận 12 do Tân Nhã Vinh làm chủ đầu tư. Nhưng, cuối cùng, công ty Tân Nhã Vinh chậm giao nền nhà để SJC thực hiện giao lại nền nhà cho cán bộ công nhân viên và một số cá nhân bên ngoài. Như vậy, SJC đã thu từ cán bộ công nhân viên và cá nhân khác là hơn 46 tỷ đồng nhưng đến nay nền nhà vẫn chưa được bàn giao.
Đáng nói, việc “khởi kiện” này không phải mới xuất hiện gần đây mà từ rất lâu rồi SJC đã có khoản tiền “treo” rất lớn này.
Tại Báo cáo tài chính năm 2015 của SJC, doanh nghiệp này đã cho biết công ty tranh chấp với Công ty TNHH thương mại Tân Nhã Vinh liên quan đến hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nhận nền nhà số 07/TNV-SJC ngày 15 tháng 4 năm 2004.
Cũng từ báo cáo tài chính năm 2015, SJC đã cho biết đang làm thủ tục khởi kiện Tân Nhã Vinh. Tuy nhiên, không rõ vì đâu thủ tục khởi kiện Tân Nhã Vinh vẫn trong trạng thái “đang làm thủ tục khởi kiện” suốt nhiều năm ròng cho đến nay?
Theo dữ liệu trên trang tra cứu mã số thuế (masothue.com), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Nhã Vinh do bà Trần Duy Kiều làm người đại diện pháp luật. Cũng theo dữ liệu trên trang này, ngoài Tân Nhã Vinh, hiện, bà Kiểu còn làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Minh Hữu Liên ; Nhà máy Chi nhánh CTCP Minh Hữu Liên - Long An…
‘Hệ sinh thái’ các doanh nghiệp liên quan doanh nhân Trần Duy Kiều
Bà Trần Duy Kiều được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Minh Hữu Liên (MCK: MHL) thay cho ông Khưu Chí Cường, ngày bắt đầu có hiệu lực là 17/2/2023. Bà Kiều sau đó cũng được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT của Minh Hữu Liên. Tuy nhiên, đến ngày 29/2/2024 doanh nghiệp này mới công bố thông tin bổ nhiệm bà Trần Duy Kiều.
Bà Trần Duy Kiều cũng từng giữ vị trí chủ chốt tại CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (MCK: TNA). Cụ thể, bà Kiều được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT TNA vào tháng 3/2018. Tuy nhiên, ngày 17/12/2021, bà Kiều đã xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT TNA.
Trước đó, năm 2021 bà Kiều từng gây chú ý khi chi gần 106 tỷ đồng mua vào xấp xỉ 1,8 triệu cổ phiếu TGG qua đó trở thành cổ đông lớn tại CTCP Louis Capital với tỷ lệ sở hữu 6,5%. Ở chiều ngược lại, HĐQT Louis Capital cũng thông qua chủ trương mua 29,1 triệu cổ phần, tương ứng với 40% vốn điều lệ của Tân Thành Group với giá 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị 291,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 12/10/2021, bà Trần Duy Kiều đã bán toàn bộ số 1,8 triệu cổ phiếu TGG nắm giữ theo phương thức thỏa thuận với giá bình quân 28.600 đồng/cổ phiếu và thu về 50,5 tỷ đồng, chịu lỗ hơn 55 tỷ đồng sau chưa đầy 1 tháng “lướt sóng”.
Sau giao dịch, bà Kiều đã không còn nắm giữ cổ phiếu TGG nào và chính thức “rời ghế” cổ đông tại công ty.
Đáng chú ý, theo báo cáo quản trị năm 2023 của Minh Hữu Liên, trong danh sách người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ, CTCP Thương mại Du lịch Tân Thành là tổ chức có liên quan của bà Trần Duy Kiều.
Du lịch Tân Thành được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu du lịch Hải Minh (dự án Cross Long Hải) tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Liên quan đến dự án này, tháng 2/2024, Cục Thi hành án dân sự TP. Thủ Đức đã ra Quyết định về việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với một phần dự án Cross Long Hải của do CTCP Thương mại Du lịch Tân Thành làm chủ đầu tư để thi hành án.
Cụ thể, đối với tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CL 839000, số vào sổ cấp GCN: CT09052 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cấp ngày 31/10/2018 tại Thửa đất số 29 tờ Bản đồ số 19 tại Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Quyết định này được đưa ra dựa trên căn cứ đơn đề nghị ngăn chặn của ông Nguyễn Trọng Nghĩa là đại diện ủy quyền của ông Nguyễn Đức Nhã (khách hàng mua biệt thự số A1.3C thuộc dự án Khu du lịch Hải Minh có tên thương mại là Cross Long Hải với giá là 16.191.832.000 đồng).
Đồng thời, dựa trên Quyết định số 2560/QĐST-DS ngày 21/7/2023 về việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức, cụ thể: Công ty Tân Thành phải trả cho ông Nguyễn Đức Nhã số tiền là 3.571.962.053 đồng, trong đó gốc là 3.238.365.994 đồng, tiền lãi là 333.596.059 đồng.
Trong khi đó, vào tháng 10/2023 Chi cục THADS TP Thủ Đức đã ra Quyết định số 61/QĐ-CCTHADS về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Duy Kiều, là người đại diện theo pháp luật của CTCP Thương mại Du lịch Tân Thành.
Liên quan đến sự việc này, đầu tháng 4/2024, phía công ty Tân Thành đã có thông báo báo chí đính chính, cung cấp thông tin liên quan đến Dự án Cross Long Hải.
Đáng chú ý, tháng 8/2023, Công ty Tân Thành đã mang Toàn bộ quyền tài sản hình thành trong tương lai phát sinh từ Dự án Khu Du Lịch Hải Minh, bao gồm Dự án do Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho vay vốn (bao gồm nhưng không giới hạn các quyền lợi từ các Hợp đồng cung cấp dịch vụ của Dự án, Hợp đồng bán sản phẩm/quyền sử dụng sản phẩm thuộc Dự án dưới bất kỳ hình thức nào…) của bên thế chấp phát sinh từ Dự án Khu Du Lịch Hải Minh đi thế chấp tại Vietinbank - CN TP. HCM.
Trước đó, tháng 5/2022, Công ty Tân Thành cũng đã dùng các khoản phải thu, quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà bên bảo đảm là chủ đầu tư thu được từ hợp đồng chuyển nhượng 11 căn biệt thự thuộc dự án Khu Du Lịch Hải Minh của CTCP Thương Mại Du Lịch Tân Thành và các hình thức ký kết văn bản khác (bao gồm cả các văn bản sửa đổi, bổ sung) mà khách hàng đã/đang/sẽ ký với các Tổ chức/Cá nhân trước/trong/sau thời điểm ký Hợp Đồng này. Giá trị của Tài sản thế chấp là 149.502.402.423 đồng để đảm bảo khoản vay tại Vietinbank - CN TP. HCM.
Về tình hình tại Minh Hữu Liên, doanh nghiệp bà Trần Duy Kiều giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Theo tìm hiểu, CTCP Minh Hữu Liên được thành lập ngày 30/8/2007; đơn vị này sở hữu nhà máy tại Long An chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm ứng dụng từ Inox.
Xét về hoạt động kinh doanh, quý I/2024, MHL ghi nhận “trắng” doanh thu và lỗ sau thuế 1,8 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2024, MHL đang lỗ luỹ kế 25,7 tỷ đồng.
Trước đó, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của MHL, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ với nhiều cơ sở.
Đầu tiên, hàng tồn kho tại thời điểm 30/9/2023 được Minh Hữu Liên kiểm kê đúng với số lượng theo dõi trên sổ sách. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán không thể chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho tại thời điểm đó do tại thời điểm đó đơn vị kiểm toán chưa được bổ nhiệm làm kiểm toán.
Ngoài ra, bằng các thủ tục kiểm toán thay thế, kiểm toán cũng không thể đưa ra ý kiến về số lượng hàng tồn kho tại thời điểm 30/9/2023, với giá trị được ghi nhận trên Bản cân đối kế toán là 9,4 tỷ đồng.
Thêm nữa, Minh Hữu Liên chưa đánh giá tình trạng, phẩm chất của hàng tồn kho để trích lập dự phòng giảm giá tồn kho (nếu có).
Thứ hai, trên cơ sở kiểm tra chứng từ nhập kho hàng hoá, kiểm toán nhận thấy rằng các nghiệp vụ đã ghi nhận trên sổ sách có đầy đủ biên bản bàn giao được ký nhận giữa bên mua và bên bán nhưng chưa có hoá đơn giá trị gia tăng đầu vào tương ứng với giá trị hàng hoá nhập kho đã ghi nhận 29,2 tỷ đồng.
Đồng thời, doanh thu bán hàng tương ứng ghi nhận 29,5 tỷ đồng nhưng chưa xuất hoá đơn giá trị gia tăng đầu vào. Vì vậy, đơn vị kiểm toán không thể xác định tính phát sinh của các nghiệp vụ đã hạch toán.
Bên cạnh cơ sở loại trừ, kiểm toán còn đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh khi Minh Hữu Liên đang tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và chưa có khả năng thanh toán các khoản vay và các khoản nợ phải trả đã quá hạn với số tiền đã quá hạn lần lượt là 67,3 tỷ đồng và 22,16 tỷ đồng.
Theo báo cáo quản trị năm 2023 của Minh Hữu Liên, trong năm 2023, doanh nghiệp này dã mượn bà Trần Duy Kiều số tiền là 5,35 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ năm 2010, doanh nghiệp này cũng nhiều lần mang tài sản đi thế chấp tại Ngân hàng.