Điều lo lắng này được doanh nghiệp chia sẻ tại Cà phê Doanh nhân HuBa lần thứ 77 với chủ đề "Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và sự thích ứng của doanh nghiệp". Sự kiện diễn ra sáng nay (8/6), do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HuBa) tổ chức.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, 3 luật mới này sẽ tác động đến rất nhiều đến doanh nghiệp. Nó tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề bất động sản, tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn lực đất đai và phát triển các khu công nghiệp. Luật cũng tháo gỡ được điểm nghẽn của Thành phố về bất động sản công nghiệp, khi một số khu công nghiệp chưa xác định được nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất của chủ đầu tư.
“Lần này có thêm khái niệm, đó là được phép thế chấp quyền thuê. Như vậy, tôi là nhà đầu tư thứ cấp, tôi thuê lại đất khu công nghiệp, tôi trả tiền 50 năm, lần này đã có cách xác định giá, tôi trả tiền 1 lần và được thế chấp. Kể cả trả tiền thuê hàng năm, tôi cũng có quyền thuê và thế chấp quyền thuê đó. Nó tại điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong sử dụng, khai thác, huy động vốn để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh” - ông Nguyễn Ngọc Hòa nêu ý kiến.
Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Lê Thành thì Luật Nhà ở có hiệu lực sắp tới sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc của các dự án nhà ở xã hội. Theo luật này doanh nghiệp không cần phải chờ cơ quan chức năng xác định giá đất thì mới được miễn giảm tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp được miễn, giảm ngay từ đầu. Đây là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội đang vướng, bị kéo dài thời gian.
Bên cạnh mặt thuận lợi, điều mà doanh nghiệp rất lo lắng hiện nay là quy định nếu trong thời hạn 24 - 48 tháng, doanh nghiệp chưa triển khai dự án thì sẽ bị thu hồi đất mà không được bồi thường. Trong khi thực tế có nhiều trường hợp bất khả kháng, đó là doanh nghiệp không triển khai được dự án do chậm thủ tục liên quan đến cơ quan chức năng. Vì vậy, trong nghị định hướng dẫn luật cần bổ sung và làm rõ nội dung này, nếu không thì doanh nghiệp sẽ bị "chết oan".
Ông Lê Hữu Nghĩa kiến nghị: “Bây giờ khi chúng tôi xin chấp nhận đầu tư, dự kiến là dự án triển khai 3 năm, giai đoạn chấp nhận đầu tư chỉ còn 2 năm, tại vì thủ tục chạy lòng vòng. Ngay khi chúng tôi nộp hồ sơ đã ghi mốc thời gian rồi, nhưng khi được chấp nhận đầu tư thì vẫn chưa triển khai dự án, bởi việc xin giấy phép đầu tư và các thủ tục khác tới giấy phép cũng mất 5 năm. Vì vậy, chúng tôi đề nghị trong nghị định hướng dẫn luật này phải ghi thêm nội dung là không thu hồi dự án trong trường hợp bất khả kháng”.
Còn chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực cho rằng, quy định này cần được hướng dẫn rõ trong nghị định sắp tới về thời gian, trách nhiệm của các bên để không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.