Chiếc máy bán hàng tự động tại nhà hàng ramen Goumen Maruko của ông Hiroshi Nishitani đã hoạt động đầy tin cậy trong một thập kỷ. Khách hàng bỏ tiền vào máy và nó in đơn đặt hàng của họ trong khi ông chủ làm mì tươi trong bếp. Món ăn được phục vụ trong vòng vài phút sau khi khách giao đơn đặt món tại quầy.
Nhưng số phận của chiếc máy giờ chỉ còn tính bằng ngày. Nhật Bản chuẩn bị giới thiệu một bộ tiền giấy mới vào mùa hè này, điều mà nước này thực hiện khoảng 20 năm một lần để ngăn chặn nạn tiền giả. Ông Nishitani cho biết chiếc máy đã quá cũ để chấp nhận các thiết kế tiền xu gần đây và sẽ không chấp nhận các tờ tiền mới.
“Chiếc máy chẳng có gì sai cả”, Nishitani nói, bày tỏ sự thất vọng vì phải mua một thiết bị mới đắt tiền tương thích với các tờ tiền mới.
Trên khắp Nhật Bản, các nhà hàng, quán ăn tự phục vụ, nhà tắm và các hoạt động kinh doanh khác đang phải đối mặt với viễn cảnh tương tự. Theo Nikkei Compass - cơ sở dữ liệu về các báo cáo công nghiệp, cả nước có 4,1 triệu máy bán hàng tự động. Nhiều loại trong số đó sẽ lỗi thời khi các tờ tiền 1.000, 5.000 và 10.000 yên mới ra mắt vào tháng 7 với công nghệ ảnh ba chiều.
Tại Nhật Bản, nơi lực lượng lao động đang bị thu hẹp, máy móc đã giúp giảm nhu cầu về nhân viên thu ngân và những người phục vụ khác. Lĩnh vực phụ thuộc nhiều nhất vào máy móc là các cửa hàng ramen, nơi phục vụ một trong những bữa ăn được yêu thích nhất và giá cả phải chăng nhất của người lao động Nhật Bản.
Ramen, loại mì với nước dùng có hương vị đậm đà, đã trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực Nhật Bản sau khi được phổ biến vào những năm 1980 khi nền kinh tế nước này khởi sắc. Các nhà hàng ramen mở rộng khi mọi người cần những bữa ăn nhanh chóng và no nê, cùng lúc các đầu bếp thử nghiệm các nguyên liệu mới. Nhiều đầu bếp đã cống hiến cả cuộc đời để hoàn thiện món ăn này. Ông Nishitani, 42 tuổi, bắt đầu làm mì ramen từ năm 17 tuổi.
Mì ramen là món ăn chủ yếu của công nhân xây dựng và công nhân các nhà máy, người làm công ăn lương và sinh viên cần những bữa ăn rẻ tiền. Nhiều cửa hàng ramen tập trung xung quanh các ga tàu, phục vụ hành khách.
Vào một buổi chiều gần đây, sinh viên từ một trường đại học gần đó đã đến ăn trưa muộn tại cửa hàng Goumen Maruko chỉ có 9 chỗ của ông Nishitani. Ông và ba nhân viên bán khoảng 100 suất ăn mỗi ngày. Mỗi suất có giá dưới 1.000 yên, tương đương 150.000 đồng.
Để trang trải chi phí nâng cấp hoặc thay thế máy bán hàng tự động, một số thành phố đưa ra các khoản trợ cấp, nhưng phần lớn chi phí sẽ do các chủ cửa hàng gánh chịu. Một chiếc máy mới có thể có giá 2 triệu yên (13.000 USD), tương đương khoảng 300 triệu đồng.
Yoshihiro Serizawa, chủ một cửa hàng mì soba ở Tokyo, cho biết ông đã chi khoảng 19.000 USD (gần 450 triệu đồng) cho chiếc máy bán hàng mới của mình, loại máy chấp nhận cả thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là một “gánh nặng tài chính rất lớn”, Serizawa nói. Số tiền này tương đương với hơn 6.000 suất món ăn phổ biến nhất của anh: soba với rau trộn và tempura hải sản, có giá chỉ hơn 3 USD.
Ông Serizawa than thở: “Bạn sẽ phải liên tục nghĩ về cách kiếm lại tiền”.
Các tờ tiền giấy mới cũng đang gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản. Gần đây, lạm phát đã tăng nhanh sau nhiều năm ở mức thấp và đất nước rơi vào suy thoái.
Giá bột mì và giá điện tăng đã làm tăng thêm chi phí cho các cửa hàng ramen nói riêng. Các nhà phân tích tại Tokyo Shoko Research cho biết, 45 nhà hàng ramen trên toàn quốc đã nộp đơn xin phá sản vào năm ngoái, con số cao nhất kể từ năm 2009. Với việc khách hàng không quen với việc giá tăng, các doanh nghiệp đã rất khó khăn để có thể tăng giá mà không bị mất khách. Giới hạn được chấp nhận rộng rãi cho một bát ramen được gọi là “bức tường 1.000 yên”.
“Tôi thực sự không muốn tăng giá thêm nữa”, ông Nishitani nói.
Khi Nhật Bản phát hành bộ tiền gần đây nhất vào năm 2004, việc sửa đổi máy bán hàng tự động và phát hành 10 tỷ tờ tiền mới đã tiêu tốn hàng trăm triệu USD. Theo một báo cáo thường niên, nhu cầu đổi máy cao đến mức một nhà sản xuất gần Osaka, tên là Glory, đã chứng kiến doanh thu ròng tăng gấp ba lần.
Việc chuyển đổi sang máy mới có thể mất nhiều năm. Theo tờ báo Nhật Bản Sankei Shimbun, đến mùa hè năm 2023, chỉ có khoảng 30% máy bán đồ uống tự động có thể chấp nhận đồng xu 500 yên được lưu hành từ năm 2021.
Máy bán hàng tự động của ông Nishitani cũng không hoạt động được với loại tiền đó. Một quan chức thành phố cho biết khu vực Tokyo nơi ông ở đang trợ cấp tới 1.900 USD cho một chiếc máy mới. Nhưng ông Nishitani không đồng tình với quan điểm cho rằng số tiền đó là gần đủ rồi.
Còn hai tháng nữa là bộ tiền mới sẽ được phát hành, ông vẫn chưa đặt hàng máy bán hàng mới. Gần đây ông đã lần đầu tiên chấp nhận thanh toán thông qua đầu đọc thẻ tín dụng. Nhưng điều đó đi kèm với nhiều phí hành chính hơn và nhiều nhân công hơn. “Tôi không thể quen được với điều đó”, ông chủ cửa hàng ramen nói.