Thời sự

Tâm điểm vĩ mô tháng 3: Bức tranh "xấu" nhưng đã được phản ánh, động lực mới trông chờ từ hạ lãi suất và quỹ Fubon giải ngân

Kinh tế vĩ mô quý I/2023 có phần ảm đạm khi chỉ số tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,23%, CPI tăng 4,18%, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP giảm 2,2% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 6,8%, có 60.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý.

Nhận định về các số liệu vĩ mô, chuyên gia chứng khoán Đỗ Bảo Ngọc,Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho hay, những chỉ tiêu vĩ mô của quý I cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại một cách rõ nét, quy mô tăng trưởng sản xuất công nghiệp và nông nghiệp bị thu hẹp, đơn hàng và giá trị xuất khẩu cũng giảm, có tới 9/10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực suy giảm.

Bức tranh trong nước "xấu" nhưng đã được phản ánh

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam. (Ảnh: Diệu Nhi).

Ông Ngọc đánh giá, trong quý I, bức tranh kinh tế màu xám đã thể hiện rõ ràng hơn so với quý I/2022.Việt Nam đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và tổng cầu tiêu dùng sụt giảm do yếu tố lãi suất cao ở các nền kinh tế có xu hướng thắt chặt tiền tệ.

Theo chuyên gia, những yếu tố sẽ tác động tới thị trường chứng khoán trong tháng tới đối với vĩ mô thì chưa có gì “sáng sủa” bởi biến động của các yếu tố vĩ mô thường tính bằng quý chứ khó có thể xoay chuyển tình hình chỉ trong vòng vài tuần hay một tháng.

Yếu tố vĩ mô trong nước chưa có gì tích cực ngoài câu chuyện NHNN đang giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. 

Với yếu tố bên ngoài, chuyên gia đánh giá cho hay, những lo ngại đổ vỡ của hệ thống ngân hàng thông qua các vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank hay Credit Suisse đã được giảm bớt. Các ngân hàng trung ương đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp để tránh khủng hoảng lan rộng.

Rủi ro đổ vỡ hệ thống của hệ thống ngân hàng được kiểm soát một mặt tác động tích cực lên thị trường tài chính thế giới những cũng là một yếu tố khiến Fed có dư địa trong việc tăng lãi suất.

Ông Ngọc dự báo Fed và các ngân hàng trung ương châu Âu có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất bởi lạm phát ở khu vực này vẫn rất cao và rủi ro đổ vỡ của hệ thống ngân hàng đã đước đẩy lùi.

Nền lãi suất cao ở Mỹ và các nước châu Âu khiến việc NHNN khó mà đẩy nhanh quá trình hỗ trợ nền kinh tế. NHNN có thể sẽ duy trì một chính sách lãi suất khá thận trọng và cung tiền nằm trong tầm kiểm soát.

Động lực từ giảm lãi suất và quỹ Fubon giải ngân

Chuyên gia đánh giá, bức tranh vĩ mô tuy khó khăn những đã được dự đoán từ trước và đã phản ánh vào thị trường chứng khoán. Vì vậy, vấn đề là trong bức tranh “xấu” đó thì điều hành chính sách sẽ hành động gì để hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp có những động thái điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thay đổi trong ngắn hạn như việc hạ lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cấp vốn, trần lãi huy động cũng được giảm xuống.

Lãi suất điều hành Mức cũ  Mức mới
Lãi suất tái cấp vốn  6% 5,5%
Trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng 1% 0,5%
Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng 6% 5,5%
Trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên 5% 4,7%

 

"Quyết tâm của NHNN trong việc duy trì thanh khoản, giảm dần mặt bằng lãi suất để tạo tâm lý tích cực hơn trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đây là một yếu tố đáng chú ý với nhà đầu tư", ông Ngọc nói.

Tuy nhiên, bản chất là thị trường chứng khoán cũng đã hưởng lợi từ những thông tin này. Câu chuyện giảm lãi suất đã xảy ra cách đây hai tuần và những thông tin về việc NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất đã được phản ánh vào thị trường.

Đó là lý do vì sao thời gian vừa qua, kinh tế thế giới rất bất ổn nhưng VN-Index đã tạo nền tương đối trong vòng hơn một tuần nay, ông Đỗ Bảo Ngọc cho hay. 

Mặc dù yếu tố vĩ mô không có quá nhiều khả quan xong với yếu tố thị trường, thông thường thị trường chứng khoán sẽ phản ánh trước những yếu tố rủi ro và cơ hội.

Nguồn: HL.

Hạ lãi suất và lực mua từ các quỹ đang là những cơ hội trên thị trường. Nhờ sức mua của VNM ETF trong đợt review tháng 3 và quỹ Fubon ETF trong đợt họ huy động được vốn đã hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn thị trường quốc tế rất biến động.

Theo ông Ngọc, trong tháng 4, vẫn có thể kỳ vọng từ yếu tố giao dịch của khối ngoại bởi hiện nay quỹ Fubon vẫn còn khoảng 2.000 tỷ đồng chờ giải ngân.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm