Thống kê được tổng hợp từ các nhà mạng tại Việt Nam và được Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông công bố chiều 1/4. Trong hơn 3,84 triệu thuê bao thuộc diện phải chuẩn hóa do thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có 2,17 triệu sim đã được cập nhật, chiếm 56,49%.
"Số còn lại khoảng 1,67 triệu sim và đã bị khóa một chiều", ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông cho biết.
Những thuê bao này sẽ không thể thực hiện cuộc gọi, nhắn tin, truy cập Internet di động. Tuy nhiên, chủ thuê bao vẫn còn 15 ngày để tiếp tục chuẩn hóa trước khi bị khóa hai chiều. 30 ngày tiếp theo, tức đến 15/5, thuê bao chưa điều chỉnh thông tin sẽ bị chấm dứt hợp đồng, thu hồi số.
Các nhà mạng chưa thống kê về số người đến chuẩn hóa sau khi bị khóa một chiều. Theo ghi nhận của VnExpress trưa 1/4, lượng người đến làm thủ tục tại một số điểm giao dịch của nhà mạng vẫn có, nhưng không nhiều, khác với cảnh chen lấn trước đó một ngày. Ví dụ, tại điểm giao dịch trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) chỉ lác đác người đến. Trong khi hai ngày 30-31/3, cửa hàng luôn kín chỗ, quá tải.
Các nhà mạng cho biết, tình trạng đông đúc tại các điểm giao dịch những ngày trước là do nhiều người không thuộc diện cần chuẩn hóa nhưng vẫn ra cửa hàng để cập nhật thông tin, như đổi từ CMND sang CCCD, hoặc đăng ký chính chủ.
"Hơn một năm trước, tôi mua tạm một sim rác cho con sử dụng khi đi học. Nay đã dùng quen, sợ bị khóa nên phải đăng ký chính chủ dù không được thông báo yêu cầu chuẩn hóa", anh Đức Thắng ở Ba Đình (Hà Nội) cho biết.
Theo đại diện Cục Viễn thông, đợt chuẩn hóa này chỉ nhắm đến những thuê bao có thông tin không khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những trường hợp sử dụng sim không chính chủ, sim đăng ký bằng giấy tờ cũ như chứng minh nhân dân nhưng khớp với cơ sở dữ liệu sẽ không thuộc diện phải cập nhật. Tuy nhiên, Cục khuyến khích người dùng chủ động kiểm tra thông tin, đăng ký sim chính chủ, chuyển sang số CCCD để có đầy đủ quyền lợi.
Việc chuẩn hóa thuê bao di động là một trong các hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Hoạt động này được đánh giá là cần thiết nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi dùng sim điện thoại không đúng quy định để lừa đảo, quảng cáo sai sự thật. Ngoài ra, theo các nhà mạng, thông tin thuê bao chính xác giúp người dùng được hỗ trợ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi thông tin bị lợi dụng cho mục đích xấu.